Chùa Quỳnh Lâm và Tao đàn Bích Động Thi Xã



TLYT - Lần theo câu chữ, lần theo hồn chữ mà suy đoán, suy ngẫm, đó là mạch nguồn tâm linh mà tác giả Vũ Bình Lục đã tâm huyết và cho ra đời bộ sách “Giải mã kho báu văn chương” (dịch thơ & bình giải thơ đời Lý-Trần) năm 2018; Trong bộ sách này nội dung (thơ văn) đề cập tới nhiều vấn đề của thời kỳ lịch sử ở giai đoạn này. Qua tùy bút với tiêu đề “Trầm tích Đông Triều” đây là một phần nhỏ được rút ra từ bộ sách nói trên của tác giả (VBL) được đăng tải dài kỳ trên báo (viết) Văn nghệ Hạ Long (1). Với Tùy bút này, chúng tôi thấy đây là một tư liệu quý đề cập không chỉ riêng đối với mảnh đất Đông Triều (Quảng Ninh) vốn có lịch sử lâu đời mà nó còn là tài liệu liên quan mật thiết tới lịch sử của Thiền Phái Trúc lâm Yên Tử, đó là chùa Quỳnh Lâm (đệ nhất danh lam cổ tích); đó là Bích Động Thi Xã Tao Đàn nằm trong hệ thống chùa Quỳnh. Và ở đó, không phải chỉ có các thi nhân lừng lẫy văn chương là thành viên thuộc giới chức quan trường, mà ở Tao đàn này ta còn thấy gương mặt các cư sĩ, tu sĩ (nhà sư) tài năng về văn chương hoạt động trong Bích Động Thi Xã, chùa Quỳnh Lâm. Và từ những áng văn chương sâu đậm này chúng ta sẽ thấy lại hào khí Đông A một thời của quân dân Đại Việt.

Với thể loại Tùy bút giầu cảm xúc và phong phú tư liệu về lịch sử Phật giáo cũng như về sự ra đời của Thiền phái Trúc lâm Yên Tử. Đồng thời qua những áng văn chương được phản ánh trong tùy bút này giúp chúng ta hiểu thêm về thi pháp của cha ông ta ở Bích Động trong thời kỳ nhà Trần. Với ý nghĩa đó, chúng tôi xin đề cập đôi nét nội dung liên quan tới những vấn đề nói trên nhằm giới thiệu cùng bạn đọc.

I - Chùa Quỳnh Lâm - (Đệ nhất danh lam cổ tích)

Theo các tài liệu nghiên cứu về Thiền phái Trúc lâm Yên Tử nói chung, về chùa Quỳnh Lâm (nay thuộc xã Tràng An, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) nói riêng đều chép rằng, chùa Quýnh Lâm được xây dựng từ đời vua Lý Thần Tông (1127-1138). Quốc sư Nguyễn Minh Không (1076-1141) chính là người trực tiếp chỉ đạo xây dựng ngôi chùa nổi tiếng này, tất nhiên là với năng lực có thể ở triều Lý (hậu Lý). Thiền sư Minh Không đã cho đúc tượng Di Lặc bằng đồng cao tới 6 trượng (khoảng 20m). Vậy Thiền sư lấy tiền ở đâu để đúc tượng đồng to lớn kỳ vĩ như thế? Theo sử liệu được biết, tiền vàng đúc tượng đúc chuông chỉ có một phần nhỏ do các Phật tử hảo tâm cung tiến, còn phần lớn chủ yếu vẫn là những Phật tử hoàng gia và các quan chức lương cao bổng hậu sùng đạo cung tiến vào. Thiền sư Minh Không còn cho dựng bia đá cao 2,5m, rộng 1,5m, hoa văn hình rồng rất tinh xảo. Qua bao vật đổi sao dời, nắng mưa dầu dãi, đến nay, thật là may mắn cho người hậu thế, tấm bia đá vô giá được dựng từ đời nhà Lý vẫn còn kia, vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, như một chứng nhân lịch sử bất tử…Nhưng phải đến đời Trần chùa Quỳnh Lâm mới được tu bổ xây dựng thêm và quy mô cũng được mở rộng hoành tráng hơn nhiều. (Sách Tam Tổ Thực Lục có chép rõ về việc này).

 
Những ngôi tháp cổ tại chùa Quỳnh Lâm 

Cũng theo Tam tổ thực lục và các sách của nhà Phật, Pháp Loa Đồng Kiên Cương (1284-1330), vị Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc lâm Yên Tử là người có công lao rất lớn trong việc chỉ đạo tu bổ, mở mang xây dựng chùa Quỳnh Lâm. Công trình hoành tráng này, đến năm 1317 thì hoàn thành cơ bản các hạng mục. Ngài Pháp Loa còn cho thành lập Quỳnh Lâm viện, chuyên đào tạo các tăng ni, do vậy, Quỳnh Lâm Viện có ý nghĩa như một trường Đại học Phật giáo đầu tiên của nước ta. Ở Thiền viện này, số tăng ni theo học có lúc tới hàng ngàn người. Ở thời kỳ Phật giáo phát triển rực rỡ, cùng với các chùa Hoa Yên ở Yên Tử (Quảng Ninh), Báo Ân ở Siêu Loại (Thuận Thành, Bắc Ninh), Thanh Mai (Chí Linh, Hải Dương), chùa Quynh Lâm ở Đông Triều, chính là những trung tâm lớn của giáo hội Phật giáo đời Trần. Đến năm 1329, chùa Quỳnh Lâm trở thành “đệ nhất danh lam cổ tích”, đồng thời là trung tâm truyền kinh giảng đạo và đào tạo sư sãi lớn nhất cả nước. Tương truyền tại đây, có thể cùng một lúc thu nhận khoảng 3 ngàn người đến tu tập. Lại còn có am Bích Động để tọa thiền…Và am Bích Động này, mới chính là nơi Trần Quang Triều dùng nơi này lập nên “Tao đàn Bích Động thi xã” đây là địa điểm gặp gỡ, xướng họa và đàm đạo thơ phú với các danh sĩ đương thời, kể cả các nhà sư học vấn sâu rộng và tài hoa như những nghệ sĩ đều tham gia với Tao đàn này (nội dung của Tao đàn sẽ đề cập ở phần sau). Bây giờ chúng ta điểm qua sự nghiệp của Pháp Loa (Nhị Tổ) với Quỳnh Lâm “đệ nhất danh lam cổ tự”.

Pháp Loa (Đồng Kiên Cương) quê làng Cẩm La, huyện Chí Linh, lộ Lạng Giang xưa, nay là huyện Nam Sách, Hải Dương. Thiên bẩm sinh ra ngài, có lẽ là để dành cho Phật giáo. Được Điều Ngự Giác Hoàng Nhân Tông truyền y bát, Pháp Loa thành vị Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc lâm Yên Tử. Ngoài việc chỉ đạo mở rộng xây dựng, tôn tạo chùa Quỳnh Lâm, ngài Pháp Loa còn là người cho xây dựng chùa Côn Sơn và Chùa Thanh Mai ở Chí Linh, để nơi đây trở thành một quần thể chùa chiền, tọa nên một vùng danh thắng tâm linh rất đặc biệt. Pháp Loa chính là một Thiền sư trí tuệ hiếm thấy. Vua Trần Anh Tông tôn kính ngài, tự nhận làm đệ tử của vị cao tăng và ban tặng thiền sư Pháp danh Phổ Tuệ Tôn Giả. Lịch sử Phật giáo Việt Nam mấy ai có được? Vậy mà tiếc thay, Pháp Loa tôn giả sớn viên tịch (đây là cách thương mến của thế tục) còn với ngài thì thanh thản ra đi khi đó 46 tuổi. Tháp mộ của Thiền sư còn đó ở chùa Thanh Mai, do chính ngài tự đặt vị trí. Tháp mộ của tôn giả xây dựng bằng gạch đá, có thể là vô thường mai một theo năm tháng, nhưng bài kệ của ngài để lại cho sơn môn thì còn mãi đến muôn sau:

Lòng trần dứt, tấm thân nhàn,

Bốn mươi năm, giấc mộng tàn đấy thôi.

Nhắn người đừng hỏi thăm tôi,

Bên kia gió mát trăng trời mênh mông!

(Thị tịch - Bảo sự chết - Vũ Bình Lục, dịch)

Vũ Bình Lục (như chúng tôi đã nhắc ở phần trên) Tác giả làm sách “Giải mã kho báu văn chương” tức (dịch thơ & bình giải thơ đời Lý-Trần), khi nghiên cứu về thơ của Nguyễn Ức, Nguyễn Sưởng, Trần Quang Triều và một số tác gia của tao đàn (Bích Động Thi Xã) ông thấy hiện lên trong thơ của họ hình ảnh ngôi chùa Quỳnh Lâm đẹp đẽ uy nghiêm, có hồ sen thả sen trắng (bạch liên) hình bán nguyệt trước cửa chùa, có am Bích Động, không phải chỉ để tọa thiền, mà chính là nơi để các vị cao tăng và nho sĩ tài danh từ bốn phương tới đây cùng nhau xướng họa, cùng với hình ảnh vị chủ soái của Thi xã Bích Động là Cúc Đường Chủ nhân (Văn Huệ Vương Trần Quang Triều). Như vậy, am Bích Động chính là trụ sở của thi đàn đầu tiên ở nước ta, nằm trong khuôn viên chùa Quỳnh Lâm, mang tên Bích Động Thi Xã.

Đến đời Hậu Lê, vua Lê Thánh Tông (1442-1497) chính ông là một nhà thơ lớn sáng lập ra Hội Tao đàn Nhị thập bát tú gồm 28 học giả giỏi nhất Đại Việt thời bấy giờ. Đó là tao đàn thứ 2 ở nước ta dưới thời phong kiến. Vậy mà cho đến gần đây, theo (VBL) cho biết, trên báo Văn nghệ công an, tôi vẫn đọc thấy một bài viết của một nhà thơ trẻ trong Sài Gòn viết rằng Hội Tao đàn do vua Lê Thánh Tông sáng lập và làm chủ soái là thi đàn đầu tiên ở nước ta. Điều này cho thấy, kiến văn của khá đông người sáng tác, làm văn hóa còn nhiều lỗ hổng đáng tiếc. Mặt khác, cũng phải nói thêm rằng, khiếm khuyết ấy còn là do ngành văn hóa thông tin, trong đó có các cơ quan xuất bản chẳng mấy quan tâm đến việc tài bồi, xiển dương những giá trị văn hóa, văn học cổ của cha ông chúng ta. Lợi nhuận kinh tế, phải chăng nó đã góp phần tích cực vào việc làm méo mó hình ảnh cao quý của hồn xưa dấu cũ, làm suy giảm những giá trị văn hóa, văn chương cổ vô cùng đặc sắc của cha ông?

Nhân đây xin nói thêm, chùa Quỳnh Lâm hoành tráng, nổi tiếng như vậy, nhưng đến năm 1407 đã bị giặc Minh tàn phá tan hoang. Chúng cướp đi hàng ngàn bức tượng gỗ được trạm khắc tinh xảo, đem về Kim Lăng (Trung Quốc). Chúng còn cho hàng trăm tên lính thợ đem lò bễ đến phá tượng Di Lặc bằng đồng pha vàng, để đúc vũ khí. Đến năm thứ 6 đời vua Thiệu Trị nhà Nguyễn (1846) một bọn thổ phỉ người Tàu dã tâm đốt cháy nhà tiền đường và cả chính điện chùa Quỳnh Lâm. Tượng gỗ đều cháy hết, chỉ duy tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông thì vẫn còn y nguyên. Năm 1947, giặc Pháp ném bom chùa Quỳnh Lâm, hủy diệt gần như toàn bộ ngôi chùa linh thiêng vào bậc nhất ở nước ta.

Nhân dân ta đã nhiều lần chung sức chung lòng xây dựng lại ngôi chùa Quỳnh Lâm, sau những biến cố đau lòng của lịch sử. Đến nay, chùa Quỳnh Lâm đã và đang được phục dựng lại, nhưng không thể tái tạo được bóng dáng ngôi chùa danh tiếng thời xưa. Trong thơ của các tác giả đời Trần, chúng ta thấy chùa Quỳnh Lâm hiện lên rất đẹp, hoành tráng. Trước chùa có ao sen trắng, hương thơm ngào ngạt. Các vị cao tăng và nho sĩ về đây đàm đạo văn chương. Các vua Trần cũng thường qua lại để vãng cảnh chùa, thể hiện sự ngưỡng vọng sâu xa với Phật pháp. Vậy, khuynh hướng và nội dung hoạt động của Tao Đàn này thời bấy giờ nói lên điều gì? Chúng ta cùng tìm hiểu phần hai nội dung đề cập về Tao đàn này- thông qua những áng văn chương thời bấy giờ sẽ hiểu rõ thêm về Quỳnh Lâm “đệ nhất danh lam cổ tích” được phản ánh dưới đây.

II- Bích Động Thi Xã Tao Đàn

Theo tìm hiểu nghiên cứu của các học giả và các nhà làm văn học nói chung, khi nhìn nhận đánh giá về hai Tao Đàn như đã nói ở phần trên đều cho rằng: “Tuy nhiên, các thành viên của hai tao đàn (Thi Xã Bích Động và Tao Đàn của Vua Lê Thánh Tông) thì ta thấy hoàn toàn khác nhau. Với Bích Động Thi Xã thì thành viên chủ chốt là các quan chức đã từ bỏ danh lợi và các nhà sư đạo cao đức trọng, tài giỏi văn chương thơ phú. Với tao đàn của vua Lê Thánh Tông thì hầu hết là các vị quan vào hàng thượng phẩm đương triều, công thành danh toại, lại được nhà vua rất yêu thơ, mê thơ cổ súy. Thêm nữa, Bích Động thi xã ra đời khi vương triều Trần đang trên đà suy thoái, còn với tao đàn của vua Lê Thánh Tông thì hoàng triều đang ở thời điểm cực thịnh. Do vậy, nội dung thơ ở hai tao đàn Thơ lớn này hoàn toàn khác nhau, giá trị nội dung và nghệ thuật cũng khác nhau khá nhiều”. Ta xét khái quát về sự khác biệt này:

Nội dung “Thơ của các thành viên Thi Xã Bích Động ở chùa Quỳnh Lâm - Đông Triều thường thể hiện tâm trạng bất đắc chí trước thời cuộc đã đổi thay, nuối tiếc một thời vẻ vang oanh liệt của vương triều Trần đã dần trôi vào dĩ vãng. Cảm hứng chủ đạo của thơ ca Bích Động Thi Xã chính là cảm hứng chữ tình bản thể, rất gần gũi mà cũng giầu mỹ cảm nhân văn, nhân bản và thánh thiện. Những thi nhân nổi bật như Trần Quang Triều, Nguyễn Ức, Nguyễn Sưởng, Nguyễn Tử Thành v.v… đều học vấn sâu rộng, đã từng làm quan to và sau đó từ quan về quê, như Nguyễn Ức, Nguyễn Sưởng, Nguyễn Tử Thành; hoặc tu Thiền như Trần Quang Triều. Những nhân vật đương thời như Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn, đều là bạn bè thân thiết, tri ân tri kỷ của họ. Thơ của họ là tiếng lòng tha thiết yêu quê hương đất nước, nhưng cũng ẩn chứa nhiều nỗi u hoài, thăm thẳm đau đau nỗi niềm của kẻ sĩ không gặp thời… Nghệ thuật thơ của Thi Xã Bích Động đã đạt tới đỉnh cao rực rỡ, chân tình mà điêu luyện. Những bài thơ còn sót lại của Trần Quang Triều, của Nguyễn Ức, Nguyễn Sưởng, Nguyễn Tử Thành v.v…có rất nhiều bài hay, một số bài vào loại đặc sắc.”

Thơ của hội Tao Đàn thời vua Lê Thánh Tông, với “Thập nhị bát tú”, tức hai mươi tám vì tinh tú, nội dung hoàn toàn khác với Thi Xã Bích Động, mặc dù, cả hai Tao Đàn này, các thành viên đều là những nhà khoa bảng nổi tiếng đương thời, học vấn sâu rộng. Sống ở thời thịnh trị dưới thời vua Lê Thánh Tông, cuộc sống của các quan thi sĩ khoa bảng đương nhiên là đầy đủ. Cuộc sống này đối lập hoàn toàn với cuộc sống ẩn cư của các thi nhân thành viên của Bích Động Thi Xã. Vậy nên, nội dung thơ của Tao Đàn Lê Thánh Tông chủ yếu là thơ xướng họa, ca ngợi nhà vua và triều đại thịnh trị, hoàn toàn quan phương, hình thức và sáo rỗng, phần nhiều nhạt nhẽo. Tất nhiên, cũng có một số bài hay, nhưng đó là cái hay cái khéo của thợ thơ, chứ ít thấy cái vi diệu bay bổng hồn nhiên của tâm hồn thi sĩ. Thơ của kẻ no bụng, đương nhiên là khác với thơ của kẻ thanh bần, nghèo khó trước cuộc đời xô đẩy đến bước khốn cùng cả vật chất lẫn tinh thần”.

Sử sách chép về Văn Huệ Vương Trần Quang Triều (người sáng lập Bích Động Tao Đàn) không nhiều, hoặc giả là do đã thất lạc, chủ yếu là do bọn giặc Minh đã phá hủy chùa Quỳnh Lâm năm 1407, với chính sách tiêu diệt văn hóa của dân tộc ta, để dễ bề đồng hóa văn hóa Bắc triều.

Nhân đây cũng xin nói thêm về vị chủ soái hội thơ Bích Động Thi Xã - Văn Huệ Vương Trần Quang Triều:

Trần Quang Triều (1287-1325), còn có tên là Nguyên Đạo, Nguyên Thụ. Ông là con trai đầu của Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng (1252-1313), cháu nội Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1228-1300). Trần Quang Triều cũng là em trai của Bảo Từ Thuận Thánh hoàng hậu, vợ vua Trần Anh Tông. Là người thông minh tuấn tú, nên Trần Quang Triều được hoàng tộc yêu mến. Năm Long Hưng thứ 9 (1301), mới 14 tuổi Trần Quang Triều đã được phong là Văn Huệ Vương và được bổ chức quan sau đó. Tuy nhiên, khi vợ Trần Quang Triều là công chúa Thượng Trân mất, ông cũng xin nghỉ chức quan, về Quỳnh Lâm, vừa làm tu sĩ, vừa làm thi sĩ. Ông sáng lập Bích Động Thi Xã, làm chủ soái đầu tiên của hội thơ này với biệt hiệu Cúc Đường Chủ nhân.

Qua nội dung các bài thơ còn lại của Trần Quang Triều, Nguyễn Sưởng, Nguyễn Ức, Nguyễn Tử Thành… chúng ta có thể hình dung thấy khá rõ, rằng từ khi về quê Đông Triều, Văn Huệ Vương Trần Quang Triều chủ yếu là sống ở chùa Quỳnh Lâm, ở am Bích Động trong khuôn viên chùa. Chính ông và vợ ông (công chúa Thượng Trân) đã cung tiến vào việc xây chùa Quýnh Lâm khoảng 900 lượng vàng để đúc tượng Di Lặc. Lại còn hàng ngàn mẫu đất và hàng ngàn nô tì (đây là thời kỳ quân chủ) xung làm tá điền phục vụ việc cày cấy cung ứng lương ăn, duy trì các hoạt động thường nhật, thường niên của nhà chùa, và của Thiền viện đầu tiên lớn nhất ở thời Trần. Năm Khai Thái nguyên niên (1324), Trần Quang Triều lại được vua Trần Minh Tông mời ra gánh vác việc nước, với chức Nhập nội Kiểm hiệu Tư Đồ (Tể tướng). Năm sau, vào tháng 8 năm Khai Thái (1325), Trần Quang Triều mất. Căn cứ vào nội dung được thấy trong một số bài thơ của bạn bè. Thi hài của Văn Huệ Vương có lẽ được an táng trên sườn núi phía sau khu vực chùa Quỳnh Lâm. Từ am Bích Động các vua Trần, gia quyến, bạn bè thân thích và nhân dân ngưỡng mộ tài đức Trần Quang Triều có thể lên đồi cao nơi ấy có rừng thông xanh ngút ngàn che phủ, thắp hương tưởng nhớ một danh nhân kiệt xuất mà yểu mệnh…(Vũ Bình Lục).

Căn cứ trên sách vở và lần theo câu chữ trong các bài thơ, lần tìm ra mạch nguồn tâm tư tình cảm của các thi nhân, cảm thấy lịch sử như đang cuồn cuộn hiện hình lên rất sinh động trước mắt. Sự ra đi đột ngột của Tể tướng thi nhân trẻ tuổi lừng lẫy đương thời, làm xúc động cả cỏ cây sông núi, làm đau lòng rất nhiều bạn bè thân thiết và nhân dân mến phục tài đức của ông. Qua thơ của một số tác giả thấy hiện lên hình ảnh một thời của Bích Động Thi Xã. Với kẻ xướng người họa, không gian lãng đãng hương trầm và tiếng thơ ngâm thao thiết:

“Triều dâng thác biếc sóng reo,

Mây xanh lạnh tiếng mái chèo đẩy đưa.

Công danh như giấc mộng thừa,

Đồng Giang chốn ấy sớm trưa câu nhàn”

(Điếu Tẩu - Ông già câu cá - Vũ Bình Lục dịch)

“Đấy! Văn Huệ Vương đang sang sảng ngâm thơ của chính ông đấy! Tiếng thơ thể hiện cái chí của ông, chán ghét cảnh bon chen danh lợi. Đồng Giang chính là nơi Nghiêm Quang đời Hán Quang Vũ ngồi câu cá. Nhân vật này cũng không vì danh lợi phú quý bỏ về Đồng Giang lấy câu cá làm vui. Cũng như Văn Huệ Vương bỏ chức quan về chùa Quỳnh Lâm giữ phẩm tiết và danh vọng, tiền bạc không khuất phục được ý chí của người quân tử chính danh như ông vậy!...”

Để có thêm cứ liệu về Bích Động Thi Xã, có lẽ chúng ta cũng nên tìm hiểu tiếp theo hai thành viên của Tao đàn này, đó là Nguyễn Sưởng và Nguyễn Ức. Đây là hai đại biểu có ảnh hưởng sâu đậm đối với Văn Huệ Vương Trần Quang Triều. Chủ soái của Tao đàn có biệt hiệu Cúc Đường chủ nhân.

1/ Nguyễn Sưởng

Theo tác Vũ Bình Lục là chưa tra cứu được đầy đủ hành trạng của Nguyễn Sưởng, nhưng qua sáng tác của ông còn sót lại đến ngày nay, chúng ta được biết Nguyễn Sưởng từng làm quan dưới triều vua Trần Minh Tông (1300-1357) ông là bạn thân của danh sĩ  Nguyễn Trung Ngạn, là thuộc hạ đồng thời là bạn thân của Văn Huệ Vương Trần Quang Triều và cũng là thành viên tích cực của Thi Xã Bích Động, chùa Quỳnh Lâm.

Trong các sáng tác còn lại của Nguyễn Sưởng, có tới 6 bài thơ liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến Trần Quang Triều. Dưới đây xin giới thiệu 2 bài thơ có tựa đề: Trùng đáo Quỳnh Lâm Bích Động am lưu đề (Đề thơ khi trở lại am Bích Động chùa Quỳnh Lâm); và bài thứ 2 có tên Chu trung dữ Đức Văn tỳ khưu, dạ thoại biệt hữu tác, phụng trình Cúc Đường Chủ nhân (Đêm ở trong thuyền, chuyện trò cùng Tỳ kheo Đức Văn, khi từ biệt làm thơ trình Cúc Đường chủ nhân) dưới đây là nội dung 2 bài thơ nói trên của Nguyễn Sưởng:

*/ Trở lại am Bích Động chùa Quỳnh Lâm

Gió xoa cột đá, hạc bay.

Mây ôm mái cỏ, rồng đây ngủ rồi.

Xót xa dân chúng thương người,

Trăng Quỳnh lạnh buốt cả hồi chuông đêm.

(Vũ Bình Lục dịch)

Bài thơ này được Nguyễn Sưởng viết khi trở lại am Bích Động ở chùa Quỳnh Lâm, sau khi Trần Quang Triều mất. Chắc chắn bài thơ được tác giả viết sau năm 1325. Bài thơ cũng cho chúng ta thông tin quý giá về nơi an nghỉ cuối cùng của Trần Quang Triều, ở trên núi sau chùa Quỳnh Lâm. Ngôi mộ còn mới, đền thờ bậc vĩ nhân được lợp bằng cỏ tranh đơn sơ. Tể tướng oai linh nằm đó, rồng thiêng đã ngủ, nhưng hình ảnh ông còn mãi trong nỗi niềm xót thương yêu kính của mọi người.

*/  Bài thứ 2: Đêm ở trong thuyền, chuyện trò cùng Tỳ kheo Đức Văn, khi từ biệt làm thơ trình Cúc Đường chủ nhân.

Trâu Mai cách mấy năm liền,

Gặp nhau đây, lại thành Điên với Hàn.

Ba sinh tình bạn chứa chan,

Thẹn ta chửa ngộ muôn vàn “chân như”!

Gác vàng quyện khói mộng mơ,

Biển đêm lấp lánh trăng thơ diệu huyền.

(Vũ Bình Lục dịch)

Theo Lê Quý Đôn, đây là bài thơ được viết bằng cổ thể (chỉ có 6 câu), chứ không phải là chép thiếu. Bài thơ này diễn đạt tình cảm tri ân của tác giả cùng với nhà sư Đức Văn, sẽ được chuyển lên Cúc Đường chủ nhân Trần Quang Triều, để cùng nhau đàm đạo thưởng thức cho vui.

2/  Nguyễn Ức

Theo sách thơ văn Lý-Trần chép rằng, Nguyễn Ức từng làm quan ở Hàn Lâm viện. Tuy nhiên, qua tác phẩm còn lại của Nguyễn Ức, chúng ta có thể dựng lại chân dung của một nhà thơ lớn ở đời vãn Trần. Nguyễn Ức đã làm quan ở Hàn Lâm viện, là bạn thân của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, từng làm quan dưới trướng Trần Quang Triều. Qua thơ Nguyễn Ức đến nay đã tạm thời tìm ra quê quán của ông đó là ở làng Guột, xã Việt Hùng, huyện Quế Võ (Bắc Ninh) bên cạnh chùa Diên Quang nổi tiếng được xây dựng từ đời nhà hậu Lý.

Trong số hơn hai chục bài thơ còn lại của Nguyễn Ức, có 8 bài thơ nói về Văn Huệ Vương Trần Quang Triều hoặc nội dung có liên quan đến Trần Quang Triều.

Dưới đây xin giới thiệu bài: Tống Cúc Đường chủ nhân chinh Thích Na (Tiễn Cúc Đường chủ nhân đi đánh giặc Thích Na).

Tướng quân vâng mệnh chinh Tây,

Không cho lũ thỏ quấy rầy hang sâu.

Hiệu quân nghiêm ngặt đêm thâu,

Cung đao vang động cả bầu trời thu.

Khí ba quân lấp mây mù,

Giặc tan, làng xóm biên khu yên bình.

Bia ghi công trạng chiến chinh,

Ai như Hán Dũ phẩm bình ngợi ca?

(Vũ Bình Lục dịch)

Giặc Thích Na, hay Sát Na nói tới ở bài thơ này. Đây là một bộ tộc thiểu số nào đó ở vùng rừng núi phía Tây nước Đại Việt thời bấy giờ, quãng vùng Hòa Bình, Sơn La, Tam Giang ngày nay. Văn Huệ Vương đích thân làm tướng, đem quân đi bình định vùng này. Trận chiến thành công, hòa bình được vãn hồi, dân chúng ở đây được yên vui trở lại. Nguyễn Ức ca ngợi tài cầm quân của Văn Huệ Vương, và ví ông như Tể tướng Bùi Độ bình định đất Hoài đời nhà Đường bên Tàu.

 Tiếp theo là bài thứ 2 của Nguyễn Ức với tiêu đề: Thu hoài phụng trình Cúc Đường chủ nhân (Ghi nỗi lòng, vâng trình Cúc Đường chủ nhân)

Đường mây muôn dặm xa xôi,

Dấu bèo trên sóng, dạt trôi mặc lòng.

“Quy điền” bài phú làm xong,

Vui bầu nước nhạt nhà trong xóm nghèo.

Tóc sương thương khách gieo neo,

Non xanh hẹn ước, ai theo cùng mình?

Thương Lương giũ bụi sạch tinh,

Hồ Thiên rồi sẽ gửi tình nước mây.

(Vũ Bình Lục dịch)

Hồ Thiên (Trù Phong tự) chính là ngôi chùa trên núi thuộc xã Bình Khê, thị xã (Đông Triều). Ngôi chùa này cũng do Pháp Loa (Nhị tổ) Trúc lâm Yên Tử chỉ đạo xây dựng vào năm 1327. Đây là nơi dành cho các thiền sư đã “tốt nghiệp” ở Thiền viện Quỳnh Lâm vào loại xuất sắc đến đây tu tập thêm để nâng cao trình độ Phật học, nhằm có thể trở thành những vị cao tăng kế thừa mạng mạch. Bài thơ này Nguyễn Ức bày tỏ tâm sự với Văn Huệ Vương. Lúc này, Văn Huệ Vương đã bỏ quan về Quỳnh Lâm, sáng lập Bích Động Thi Xã.

Theo Vũ Bình Lục, cứ lần từng bước theo dấu chân huyền ảo của những con người lịch sử, suy ngẫm, phán đoán về những con người sống động trong quá khứ xa xăm lịch sử ấy, để thấy được bóng hình lung linh của quá khứ… Nếu không có sự dẫn dắt của tâm linh, của hồn thiêng sông núi, sao có cơ hội tiếp cận được sự gần gũi thân thương, dường như có ai đó đang thủ thỉ, đang tận tâm chỉ lối dẫn đường để có những trang viết mang hơi thở nồng ấm từ khứ dội về.

Cư sĩ: Nguyễn Đức Sinh.

Chú thích: (1) Trầm tích Đông Triều: là Tùy bút dài kỳ của Nhà văn, nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục đăng tải trên báo Văn nghệ Hạ Long (thuộc Hội văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh) từ số 584 ngày 20/7 đến số 588 ngày 20/9/2019.  Phần nội dung thể hiện trên của bài viết này, tập trung ở 2 số: 585 và 586.

Tài liệu tham khảo:

-Thơ văn  Lý -Trần, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội 1980).