Chuyện ít biết về Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông



TLYT - Đúng dịp Đại lễ Kỷ niệm 705 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, (ngày 1/11/2013 âm lịch), một sự kiện đặc biệt đối với Khu Danh thắng Yên Tử là, khánh thành Bảo tượng Phật hoàng trên đỉnh non thiêng.

Đây là công trình được xây dựng bằng nguồn tiền công đức lên tới 70 tỷ đồng, do Ban trị sự Phật giáo Quảng Ninh làm chủ đầu tư.

Gian nan…  tìm mẫu tượng

Năm 2006, sau khi hoàn thành công trình chùa Đồng trên đỉnh thiêng Yên Tử-ngôi chùa đôc đáo có một không hai trên thế giới.

Nguyện vọng của Ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh và bà con phật tử muốn có   bảo tượng về Phật hoàng Trần Nhân Tông để tưởng nhớ công ơn của Ngài. Bởi, trong tâm trí của con dân nước Việt, Trần Nhân Tông không chỉ là vị hoàng đế anh hùng đã tạo nên kỳ tích 2 lần chiến thắng quân Nguyên mà Ngài còn là vị tổ sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm, mang tư tưởng hòa nhập Đạo với Đời, thấm nhuần tính nhân văn sâu sắc, một tư tưởng riêng của Phật giáo Việt Nam.

Việc xuất gia tu đạo của Phật hoàng Trần Nhân Tông khi đất nước yên bình đã góp phần không nhỏ cho đời sống chính trị Đại Việt cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV trở nên ổn định, ôn hòa, dân được hưởng cảnh ấm no, hạnh phúc.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cắt băng khánh thành tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông , ngày 1/11/2013, âm lịch tại An Kỳ Sinh

Để đúc tượng, công việc đầu tiên là, chọn vị trí đặt tượng Ngài. Sau thời gian nghiên cứu, các nhà khoa học, sử học chọn đặt tại An Kỳ Sinh. Vị trí đó, Ngài có thể trông ra Bãi cọc Bạch Đằng, nơi gắn liền với chiến thắng quân Nguyên Mông của nhà Trần, do Vua Trần Thánh Tông (cha của Ngài) và Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn  chỉ huy.

Tiếp đến, công việc quan trọng và khó khăn nhất là huy động nguồn công đức và chọn mẫu tượng.

Theo đó, có nhiều phương án về mẫu tượng Phật hoàng được đưa ra. Cụ thể: Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đề xuất mẫu tượng Ngài theo thế nửa đứng, nửa đi, tay cầm gậy trúc, tay chấp ngực.

Phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề xuất theo mẫu tượng Ngài ngồi tĩnh tọa trên đài sen và lấy mẫu từ trong Tháp tổ Hoa Yên. Bởi, theo nhiều nhà nghiên cứu đây là pho tượng chân thực nhất, do vua Trần Anh Tông, con trai của Phật hoàng tạc tượng sau khi Ngài nhập niết bàn 1 năm,.

Được sự đồng thuận của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Niinh, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã làm 7 mẫu tượng trưng bày tại khu Danh thắng Yên Tử để lấy ý kiến nhân dân. Sau 3 tháng hội Xuân 2008, tổng hợp lại các ý kiến của nhà lãnh đạo, nhà nghiên cứu và du khách, đã ủng hộ mẫu tượng Phật hoàng ngồi trên đài sen.

Tiếp đến, Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các nhà khoa học, đồng thời thống nhất lấy mẫu tượng Phật hoàng ngồi trên đài sen để đúc bằng đồng và đặt tại An Kỳ Sinh.

Hành trình… đúc tượng

“Mặc dù, đã có kinh nghiệm trong việc xây dựng chùa Đồng, nhưng việc đúc tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông bảo đảm yêu cầu kỹ thuật với công trình nặng trên 130 tấn, chất liệu đúc bằng đồng nguyên chất, theo phương thức đúc tại chỗ – liền khối, lại xây dựng tại địa hình khá hiểm trở ở độ cao trên 900m so với mực nước biển… nên chúng tôi luôn cân nhắc kỹ lưỡng, chu đáo”, Thượng tọa Thích Thanh Quyết nhớ lại.

Bảo tượng Phật hoàng

Ông Nguyễn Văn Hằng, Hà Nội, người gắn bó với công tác giám sát xây dựng bảo tượng Phật hoàng chia sẻ, thông lệ, việc đúc đồng, phải đào hố, lên khuôn, dốc đầu tượng xuống, sau đó đổ đồng từ phần chân lên (tức là đúc ngược). Tuy nhiên, do địa hình quá hẹp, núi đá, dốc đưng, nên không thế đào hố rộng để chứa hàng ngàn tấn đồng đun cháy một lúc. Trong khi đó, không thể vân chuyển được các thiết bị như máy cẩu cơ khí lên độ cao gần 1 ngàn m để hỗ trợ cho việc đúc đồng. 

“Sau quá trình, nghiên cứu, mày mò, thử nghiệm, Ban trị sự Phật giáo Quảng Ninh quyết định theo cách đúc đồng trực tiếp. Tuy cách này nguy hiểm và có nhiều may rủi, nhưng không còn phương án nào khác. Theo đó, phải đúc xong phần bệ móng bê tông hoàn chỉnh, lập khuôn âm, khuôn dương của đài sen trên chân tượng để đúc. Xung quanh khuôn tượng làm hệ thống dàn giáo, với kinh phí trên 16 tỷ đồng. Hệ thống này gồm 5 tầng: Từ đài sen đến phần thân, ngực, tay chân và đầu tượng”, Đại đức Thích Khai Bi kể.

Bà Nguyễn Thị Hoa, người trực tiếp trong việc đúc đồng cho biết, khó khăn và nguy hiểm nhất  với chúng tôi là, tất cả các lò,bế để nấu đồng đều thực hiện trên dàn giáo kiên cố và phải đổ chính xác từng mi li mét, bởi nếu chỉ cần lệch 1 ly thì cả khối tượng sẽ bị nghiêng. Vì vậy, công tác giám sát được Ban Trị sự thực hiện nghiêm ngặt từ khâu cấp đồng đến khâu nấu đồng, đổ đồng, đúc đồng…

 Chị Hòa, một người dân bán quán tại An Kỳ Sinh kể lại: “Để có được bảo tượng của Ngài đẹp và chất lượng như hiện giờ, chúng tôi cảm phục tài năng của những người thợ thi công. Nhưng hơn cả, đó là niềm tin, ý chí của những người thực hiện công trình. Tôi còn nhớ, có những lúc cao điểm, cụ (thượng tọa Thích Thanh Quyết), ở trên An Kỳ Sinh gần cả tháng trời, trong căn lán cũ chưa đầy 7m2 của nhà tập thể bộ đội công binh, thời tiết mưa lạnh khắc nghiệt. Nhưng, Thượng tọa vẫn ngày đêm bám sát công trình, chỉ đạo, giám sát, động viên đơn vị thi công. Có những hôm 1,2 giờ sáng, Thượng tọa và các bên thi công vẫn ngồi họp với nhau để xử lý công việc”.

Sau 4 năm triển khai, thi công, bảo tượng Phật hoàng cao 12,6m, nặng 138 tấn đồng nguyên chất đã được khánh thành.

Công trình được đầu tư trên 70 tỷ đồng, bằng nguồn công đức, do Ban trị sự Phật giáo Quảng Ninh làm chủ đầu tư.

Đúng dịp Đại lễ kỷ niệm 705 năm, ngày  Đức Vua-Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, công trình được khánh thành. Hàng ngàn phật tử và quan khách đã vân tập về Yên Tử để tận mắt chiêm bái bảo tượng Ngài.

Trong niềm hoan hỷ, Hòa thượng Thích Đức Nghiệp,  Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ, công trình này không chỉ là niềm tự hào của Phật giáo Quảng Ninh, mà là của cả nước. Nếu Ân Độ có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thì Việt Nam có vị Vua-Phật Trần Nhân Tông. Bảo tượng được đúc thành công và đặt tại khu Danh thắng Yên Tử, đúng nơi gắn liền với cuộc đời và hành đạo của Ngài thì còn gì bằng. Tôi thật sự tán thán công đức của Ban trị sự Phật giáo Quảng Ninh, các cấp chính quyền và bà con phật tử.

Giờ đây, trên non thiêng Yên Tử, bảo tượng Phật hoàng uy nghi ở độ cao trên 900m so với mặt nước biển. Ngài tọa trên đài sen,trong lớp áo cà sa giản dị, với phong thái an nhiên, tĩnh tại ánh mắt nhìn vào hư không như dõi theo chúng sinh trên con đường giác ngộ.

Trà Vân