Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh góp ý về việc thu phí vãng cảnh Yên Tử


Trong ba ngày 11,12,13 tháng 12 năm 2017, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh họp phiên cuối năm; trong chương trình nội dung kỳ họp có việc thảo luận và quyết định về việc thu phí tham quan vãng cảnh Yên Tử. Nhân dịp này chúng tôi xin đăng toàn bộ ý kiến của Ban trị sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh góp ý với Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh về vấn đề này:


Kính gửi: Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

Kính thưa toàn thể quý vị!

Trong những năm qua Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh và toàn thể Tăng Ni, Phật tử trong tỉnh rất vui mừng nhận thấy tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu to lớn về các mặt chính trị - kinh tế, văn hóa – xã hội… đời sống nhân dân ngày càng khởi sắc. Các chức sắc và tín đồ tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo vô cùng hoan hỷ đóng góp công sức của mình vào các thành tựu chung đó; Tăng Ni, Phật tử GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đã vào cuộc mạnh mẽ trong việc xây dựng cuộc sống tốt đạo, đẹp đời như: đẩy mạnh công tác trùng tu xây dựng các cơ sở thờ tự, các khu di tích lịch sử văn hóa với kinh phí xã hội hóa lên đến hàng ngàn tỷ đồng, ủng hộ các quỹ từ thiện hàng chục tỷ đồng mỗi năm, đồng hành cùng với tỉnh Quảng Ninh trong việc ủng hộ kinh phí kéo điện lưới ta huyện đảo Cô Tô, tham gia chiến dịch Quang Trung phục vụ việc quy hoạch xây dựng khu kinh tế Vân Đồn, xây dựng chùa Trúc Lâm Cô Tô, Đền - Chùa Xã Tắc góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, nhiều di tích thờ tự như: chùa Ba Vàng, chùa Cái Bầu, chùa Linh Sơn, chùa Ngọa Vân được trùng tu và xây dựng mới đã góp phần thay đổi diện mạo các địa phương.

Riêng khi Di tích đặc biệt Quốc gia Yên Tử, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã kêu gọi nguồn công đức hàng trăm tỷ đồng xây dựng: chùa Đồng, tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Cung Trúc Lâm và nhiều hạng mục có ý nghĩa khác đồng thời chủ trì tổ chức hàng loạt sự kiện có ý nghĩa; từ đó diện mạo và vị thế của Yên Tử đã có bước phát triển cơ bản.

Chúng tôi được biết tại kỳ họp cuối năm 2017, HĐND tỉnh Quảng Ninh sẽ bàn bạc việc bán vé vãng cảnh vào khu Di tích danh thắng Yên Tử; Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh có một số ý kiến như sau:

1. Yên Tử được coi là trung tâm Phật giáo của cả nước, chốn tổ của Phật giáo Việt Nam, mọi người hành hương về Yên Từ là để lễ Phật, tưởng niệm Phật Hoàng và bày tỏ đức tin tôn giáo, tín ngưỡng của mình; 90% lượng du khách về Yên Tử là để lễ Phật chứ không phải tham quan vãng cảnh. Cũng chính các tín đồ Phật tử này là những người thường xuyên công đức để góp phần tôn tạo, xây dựng Yên Tử được như ngày hôm nay, thế mà về Yên Tử lễ Phật lại bị thu vé sẽ tạo nên sự bức xúc và cả sự xúc phạm.

2. Hiện nay tại Yên Tử đã có rất nhiều dịch vụ thu phí như: phí cáp treo, phí gửi xe, phí đi xe điện… du khách mỗi lần hành hương về Yên Tử phải xếp hàng từ bến xe đến các hệ thống nhà ga cáp treo 2 lượt lên xuống  khoảng 10 lần đã gây ra hiện tượng ùn tắc. Trong thời gian tới trung tâm dịch vụ lễ hội do Công ty cổ phần phát triển Tùng Lâm đưa vào sử dụng sẽ phát sinh một số lệ phí khác. Nay lại thêm xếp hàng mua vé vãng cảnh như vậy sẽ xảy ra hiện tượng phí chồng lên phí; đây là điều tối kỵ trong cuộc sống và ứng xử văn hóa hiện đại.

3. Hiến pháp nước CHXHCNVN và luật tín ngưỡng, tôn giáo vừa được Quốc hội thông qua đều quy định: mọi người đều có quyền tự do đến các cơ sở thờ tự tôn giáo của mình để bày tỏ đức tin, thực hiện lễ nghi và hoạt động tôn giáo mà không bị ngăn cản. Việc bán vé vãng cảnh Yên Tử mà thực chất là bán vé vào chùa Yên Tử có phải là hành vi ngăn cản hay không? Mục 4 điều 9 của Thông tư quy định tổ chức lễ hội do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành ngày 22 tháng 12 năm 2015 quy định : “Không bán vé, thu tiền trong khu vực di tích, lễ hội nếu có tổ chức các trò chơi biểu diễn nghệ thuật thì được bán vé cho hoạt động dịch vụ đó theo quy định của pháp luật”.

4. Hiện nay các khu di tích tâm linh tại nhiều tỉnh thành trong cả nước đang phát triển, du khách đang có nhất nhiều lựa chọn. Mấy năm qua Yên Tử phát triển một phần là nhờ chủ trương sáng suốt của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. Đặc biệt là chủ trương bỏ vé tham quan vãng cảnh của Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Quynh trước đây; đây là chủ trương hợp lòng dân. Bây giờ chúng ta bán vé là bước thụt lùi. Hơn nữa chúng tôi được biết một số khu di tích đang nghiên cứu việc bỏ vé vãng cảnh để thu hút du khách như: khu di tích Côn Sơn Kiếp Bạc (Hải Dương), đặc biệt là khu du lịch tâm linh Tây Yên Tử (Bắc Giang) đang tạo nhiều điều kiện thông thoáng nhất để mời gọi du khách.

5. Trong một năm vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều quy định, thông báo… về việc quản lý tiền công đức, tiền giọt dầu tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo chưa đúng quy định của pháp luật. Từ đó đã gây tâm lý bức xúc trong các chức sắc và tín đồ tôn giáo.  Trước thềm Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Quảng Ninh lần thứ IV, trong buổi làm việc của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh và lãnh đạo Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, ông Chủ tịch UBND tỉnh đã hứa sẽ chỉ đạo sửa đổi quy định đó nhưng Tăng Ni, Phật tử Quảng Ninh chờ mãi vẫn không thấy gì. Tại nhiều địa phương như: thành phố Móng Cái, huyện Hoành Bồ… chính quyền các địa phương vẫn bắt ép các Tăng Ni tại các chùa thực hiện việc niêm phong hòm công đức bằng 2 chìa khóa; những điều trên đây đã gây nên sự bức xúc không cần thiết và ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân - điều mà tiền bạc không thể mua được.

6. Cũng tại nội dung kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Ninh cách đây một năm (kỳ họp cuối năm 2016) đã đưa ra dự kiến việc thu phí vãng cảnh Yên Tử, dư luận nhân dân chưa có sự đồng thuận vì vậy HĐND tỉnh đã có quyết định dừng việc thu phí vãng cảnh Yên Tử và giao cho UBND thành phố Uông Bí phối hợp với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh bàn bạc các ý kiến thống nhất trình HĐND tỉnh quyết định. Từ đó đến nay UBND thành phố Uông Bí và Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh chưa bao giờ có việc triển khai bàn bạc về việc này. Thế mà nay lại đột ngột đưa ra thảo luận và quyết định tại HĐND tỉnh Quảng Ninh là trái với kết luận của kỳ họp trước.

7. Hiện nay Tăng Ni, Phật tử Quảng Ninh và các tầng lớp nhân dân đang ra sức kêu gọi nguồn xã hội hóa để trùng tu tôn tạo các cơ sở thờ tự, các di tích lịch sử văn hóa, nếu chúng ta thực hiện việc bán vé vãng cảnh Yên Tử thì sẽ là cú đấm bất ngờ vào tâm lý mọi người. Bởi nhân dân đang nghĩ rằng: trước tiên sẽ bán vé Yên Tử, sau đó sẽ đến lượt bán vé vào các khu di tích: chùa Ngọa Vân, chùa Ba Vàng, chùa Cái Bầu và một loạt chùa khác.

Từ những ý kiến trên đây, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh tha thiết đề nghị HĐND tỉnh Quảng Ninh, các vị Đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu kỹ lưỡng để có được chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân. Quyền áp dụng việc bán vé thu phí hay bỏ việc bán vé thu phí là của chính quyền, tuy nhiên với trách nhiệm là cơ quan đại diện cho nguyện vọng và ý chí của Tăng Ni, Phật tử Quảng Ninh, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh xin có những ý kiến trách nhiệm và chân thành nhất.

Kính chúc quý vị mọi điều tốt lành để lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh phát triển giàu mạnh.

Trân trọng!

 


Tin cùng chuyên mục