Kính thư Đại hội!“
Giáo lý của Đức Phật có lan toả và phát triển hay không là nhờ vào những vị “Sứ giả của Như Lai”. Đạo Phật có mặt ở Việt Nam trên 2000 năm, trải qua bao thời đại thăng trầm đều có xuất hiện những tinh thần bố giáo như Ngài Phú Lâu Na. Nhưng ngày nay, khi thời đại công nghệ 4.0 phát triển như vũ bão, dẫn tới sự thay đổi nhanh chóng ở mọi lĩnh vực của cuộc sống, thì việc bố giáo trở nên một thách thức lớn cho nghành Hoằng Pháp thời nay. Với một sứ giả nhỏ bé của việc Hoằng Pháp, và đang mang một sứ mạng lớn lao trong thời đại mới, chúng tôi xin được đóng góp vài ý kiến nhỏ như là một phương thức trong hàng ngàn phương tiện độ sinh của ngành Hoằng Pháp với chủ đề: Hoằng pháp trong điều kiện bình thường mới - công nghệ 4.0 và các nền tảng phương tiện kỹ thuận số”.
Kính thưa quý liệt vị!
Phật giáo Việt Nam trải qua bao nỗi thăng trầm theo sự thịnh suy của đất nước. Nhưng với tinh thần Hoằng dương chính pháp, chư vị Tổ sư đã vận dụng tuỳ duyên lời dạy của Đức Phật để làm lợi lạc quần sinh, xiển dương đạo pháp. Tuy nhiên, đối với thời đại khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, những vị “Sứ giả Như lai” muốn đạt được những kết quả tốt đẹp trong việc hoằng dương chính pháp thì không thể thiếu sự quan tâm nắm bắt và ứng dụng kỹ thuật số, công nghệ thông tin thời đại mới làm phương tiện truyền bá.
Hoằng pháp hay hoằng dương chính pháp trở thành nhiệm vụ then chốt, quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong hiện tại và tương lai. Mục đích chính là làm lan tỏa giáo lý của Đức Thế Tôn, đem lại sự an lạc, giải thoát cho con người. Bên cạnh đó, đặc trưng của hoạt động Hoằng pháp là luôn linh hoạt, nhất là gắn liền với tinh thần khế lý, khế cơ, khế xứ, khế thời. Mỗi thời đại, quốc độ, xứ sở khác nhau thì Tăng, Ni phải có cách thức Hoằng pháp phù hợp, đem đạo vào đời một cách hợp lý, thành công. Ngày nay, thế giới loài người đang bị tác động mạnh mẽ bởi nền công nghệ 4.0, trong đó có Việt Nam. Vì thế, Phật giáo nói chung lẫn công tác Hoằng pháp nói riêng vẫn không thể đứng ngoài sự tác động của nền công nghiệp hiện đại, tối tân đang diễn ra trước tiên, chúng ta tìm hiểu cách mạng công nghệ 4.0 là gì?
Cách mạng Công nghiệp lần đầu tiên (1.0) được bắt đầu ở Anh vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 với việc sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần hai (2.0) được khởi xướng từ cuối thế kỷ 19, kéo dài đến đầu thế kỷ 20 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để dây chuyền sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần ba (3.0) được diễn ra vào những năm 1970 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Năm 2013, một từ khóa mới là Công nghiệp 4.0 bắt đầu nổi lên xuất phát từ một báo cáo của chính phủ Đức nhằm nói tới chiến lược công nghệ cao, điện toán hóa ngành sản xuất mà không cần sự tham ra của con người. Đây được gọi là cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn… để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, với sự xuất hiện của robot có trí tuệ nhân tạo mang lại nhiều ứng dụng trong xã hội. Nhờ công nghệ AI, người máy làm việc càng thông minh, có khả năng ghi nhớ, học hỏi vô biên, trong khi khả năng đó ở con người càng già, càng yếu đi.
Trong lĩnh vực Giao thông, thế hệ xe không người lái sẽ phát triển nhờ đảm bảo an toàn cao gấp nhiều lần vì không có tình trạng say rượu bia, vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu. Trong lĩnh vực Y tế, cỗ máy IBM Watson có biệt danh “Bác sĩ biết tuốt” có thể lướt duyệt cùng lúc hàng triệu hồ sơ bệnh án để cung cấp cho các bác sĩ những lựa chọn điều trị dựa trên bằng chứng chỉ trong vòng vài giây nhờ khả năng tổng hợp dữ liệu khổng lồ và tốc độ xử lý mạnh mẽ. “Bác sĩ biết tuốt” này còn cho phép con người tra thông tin về tình hình sức khỏe của mình. Các bác sĩ chỉ cần nhập dữ liệu người bệnh để được phân tích, so sánh với kho dữ liệu khổng lồ có sẵn và đưa ra gợi ý hướng điều trị chính xác.
Trong lĩnh vực Giáo dục, công nghệ thực tế ảo sẽ thay đổi cách dạy và học. Sinh viên có thể đeo kính VR và có cảm giác như đang ngồi trong lớp nghe bài giảng, hay nhập vai để chứng kiến những trận đánh giả lập, ngắm nhìn di tích, mang lại cảm xúc và sự ghi nhớ sâu sắc, giúp bài học thấm thía hơn. Hoặc khi đào tạo nghề phi công, học viên đeo kính và thấy phía trước là cabin và học lái máy bay như thật để thực hành giúp giảm thiểu rủi ro trong quá trình bay thật. Trong tương lai, số lượng giáo viên ảo có thể nhiều hơn giáo viên thực rất nhiều.
Ứng dụng những thành quả của công nghệ 4.0 vào Hoằng pháp
Dưới ảnh hưởng sâu rộng của cách mạng Công nghệ 4.0, ngành Hoằng pháp nói riêng, những người là sứ giả Như lai nói chung trong thời đại mới cần phải nắm bắt những kiến thức và kỹ năng ứng dụng công nghệ mới vào việc truyền bá giáo lý của Đức Thế Tôn. Dựa vào những thành quả của cuộc cách mạng 4.0 mang lại, sẽ cho ngành Hoằng pháp những phương thức mới tạo được sự dễ dàng và thành quả hơn trong việc Hoằng pháp.
Để tận dụng thành tựu của cách mạng Công nghệ 4.0, trước hết ngành Hoằng pháp phải xây dựng được website trực tuyến; số hóa hạ tầng công nghệ thông tin Hoằng pháp ở cấp cơ sở, bằng cách đưa lên hệ thống điện toán đám mây; số hóa dữ liệu, tài liệu, thông tin của ngành Hoằng pháp. Hoằng pháp viên phải biết sử dụng các phương tiện kỹ thuật số, phần mềm thông minh có kết nối Internet và ứng dụng tối đa Internet kết nối vạn vật.
Cách mạng Công nghệ 4.0 đang gõ cửa từng nhà, dẫn tới sự thay đổi nhanh chóng sâu rộng ở mọi lĩnh vực của cuộc sống. Tác động rõ rệt nhất là sự xuất hiện của robot có trí tuệ nhân tạo, với tính năng có thể thay thế con người, thậm chí còn tối ưu hơn như khả năng tính toán, phân tích, ghi nhớ, có thể làm vai trò luật sư tư vấn pháp lý online một cách nhanh chóng. Vì vậy, ngành Hoằng pháp phải nắm bắt thành tựu này để ứng dụng trong công việc livestream các bài giảng của các giảng sư. Thậm chí, có thể dùng trong việc giải đáp trực tiếp những vấn đề học Phật cho những người nghiên cứu, học tập. Trí tuệ nhân tạo còn giúp cho nhà Hoằng pháp trong việc trích dẫn, tìm nguồn cho các bài giảng; phân tích những xu hướng thời đại để có những đề tài giảng mang tính thực tế nhưng không rời xa lời Phật dạy.
Sử dụng công nghệ điện toán đám mây: Để lưu trữ toàn bộ hệ thống Tam tạng kinh điển Phật giáo và lưu trữ những bài giảng của các vị Giảng sư. Các Giảng sư phải biết tiếp cận với cuộc cách mạng 4.0 để khai thác tư liệu, tham khảo sử dụng hệ thống giáo án điện tử, để soạn bài và diễn giảng được thuận tiện và tốt hơn. Người học Phật chỉ cần cái smartphone (điện thoại thông minh) thì kho tàng giáo lý của Đức Phật ở trong bàn tay.
Với Big Data (dữ liệu lớn), sẽ cung cấp các giải pháp cho chúng ta trong việc nghiên cứu sở thích, thói quen, hành vi của đối tượng Hoằng pháp, qua đó gián tiếp giúp cho nhà Hoằng pháp đạt hiệu quả tốt trên phương diện Khế cơ.
Lập đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động giảng dạy trong các lớp Cao - Trung cấp Hoằng pháp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giảng sư.
Những cơ hội cho nghành Hoằng Pháp.
Cuộc cách mạng Công nghệ 4.0 xuất hiện thời kỳ đổi mới và hội nhập ở nước ta. Các nhà Hoằng pháp có cơ hội rất lớn để tiếp cận với các tín đồ Phật giáo và các nhà nghiên cứu về Phật giáo, cũng như các nền Phật học ở trong nước và ở nước ngoài thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, các mạng xã hội để một mặt học tập, bồi dưỡng, bổ túc tri thức Phật pháp, một mặt chuyển tải, truyền bá chính pháp đến đông đảo quần chúng một cách dễ dàng và hiệu quả.
Trong thời đại kinh tế phẳng toàn cầu hóa, việc truyền bá chính pháp không chỉ là thực hiện các nghi thức cầu nguyện; hay những buổi thuyết giảng theo phong tục vùng miền nữa, mà chúng ta phải có những phương pháp mới, phong cách mới, đổi mới luồng tư tưởng giáo lý Phật đà vào trong đời sống thực tiễn, làm cho Phật giáo Việt Nam thời hiện đại phải mang tính phổ cập sâu rộng và tính phổ quát trên toàn thế giới.
Những thách thức cơ bản đối với nghành Hoằng pháp.
Bên cạnh những cơ hội, chúng ta cũng đang đứng trước thách thức to lớn, xuyên suốt và cơ bản trong hiện tại và tương lai trước cuộc cách mạng Công nghệ 4.0, thể hiện như sau: thách thức từ những nhu cầu đào tạo đội ngũ có trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin để phụ trách và quản lý chương trình Hoằng pháp online và làm công tác nhóm; nhu cầu về Kinh tế để trang bị cơ sở hạ tầng; nhu cầu các vị Giảng sư ngoài việc trao dồi kiến thức Phật học, kỹ năng thuyết giảng còn phải trang bị cho mình một khả năng nhất định về công nghệ thông tin và tiếp tục bổ sung, nâng cấp trình độ công nghệ để đáp ứng được tính linh hoạt, cấp bách của nền công nghệ mới. Đặc biệt, nhà Hoằng pháp còn phải rèn luyện kỹ năng mền như: Giao tiếp, làm việc theo nhóm …
Nâng cao trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh: trong việc lĩnh hội kiến thức ứng dụng công nghệ mới, đòi hỏi nhà Hoằng pháp phải có trình độ Anh ngữ cơ bản. Và nhu cầu cao hơn nữa, là một vị sứ giả Như lai trong sự nghiệp tuyên dương chính pháp cần phải sử dụng thành thạo Anh ngữ hay một vài ngôn ngữ thông dụng ngoài tiếng bản địa. Có như vậy mới dễ tạo được sự cảm thông, mới dễ được thành tựu và thâm nhập được vào các môi trường Hoằng pháp ở hải ngoại.
Mặt trái của cách mạng Công nghệ 4.0 là nó có thể gây ra cho vị Giảng sư lệ thuộc, ỷ lại vào nguồn thông tin của công nghệ truyền thông. Những bài thuyết giảng tuy có trích dẫn phong phú, mang tính thực tiễn nhưng lại thiếu tư duy và tính trải nghiệm trong quá trình tu tập của bản thân của người Hoằng pháp.
Nếu không kiểm soát được những thông tin chính xác sẽ dẫn đến sự phát tán nhanh chóng của những bài giảng, những hình ảnh không đúng với tinh thần nhà Phật, ảnh hưởng lớn đến tinh thần học Phật và niềm tin của quần chúng.
Kính thưa quý liệt vị!
Chân lý mà đức Phật giác ngộ thực ra luôn đứng vững trong mọi thời đại mà không hề bị ảnh hưởng bởi tiến trình của thời gian và sự tăng trưởng trí thức của nhân loại. Vì vậy, kiến thức khoa học dù có phát triển như thế nào thì giáo pháp của đức Phật vẫn vượt xa những khám phá của nhân loại.
Tuy nhiên, muốn Hoằng pháp tốt trong thời kỳ hội nhập và phát triển, đặc biệt là trong thời kỳ công nghệ 4.0 phát triển như vũ bão hiện nay, việc Hoằng pháp nói chung, các nhà Hoằng pháp nói riêng, thực sự phải quan tâm, kịp thời nắm bắt, ứng dụng công nghệ mới, tìm giải pháp cho phù hợp với thực trạng nhu cầu của một xã hội đang chuyển mình số hoá trên mọi lĩnh vực. Có như vậy, việc Hoằng pháp mới đem lại những thành quả to lớn trong sự nghiệp Hoằng pháp lợi sinh. Được như vậy, nhà Hoằng pháp mới đem lại lợi ích trong việc chuyển hoá nội tâm, thăng hoa tâm linh cho con người giữa xã hội phồn vinh về vật chất này.
Kính chúc Đại Hội thành công tốt đẹp! Xin trân trọng cảm ơn!