TLYT - Phòng hộ sáu căn là một trong những pháp tu căn bản của người đệ tử Phật. Nhờ có sự phòng hộ sáu căn vững chắc nên gần thì tạo ra nghiệp mới thiện lành, xa hơn là giữ tâm bất động không ham thích mà cũng không chán bỏ khi tiếp xúc với trần duyên.
Sự phòng hộ phải dựa trên nền tảng thân niệm xứ, thấy rõ như thật về thân - Ảnh minh họa
“Một thời Đức Phật ở trong vườn Cù-sư-la, tại nước Câu-diệm-di. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Thí như người dạo trong căn nhà trống, bắt được sáu loài chúng sinh. Đầu tiên được con chó, liền bắt nó cột một chỗ. Kế đến được con chim, rồi được rắn độc, dã can, thất-thâu-ma-la và con khỉ. Sau khi bắt được những chúng sinh này, tất cả đều bị cột một chỗ. Con chó muốn vào làng; chim luôn muốn bay lên không; rắn luôn muốn bò vào hang; dã can muốn đến gò mả; thất-thâu-ma-la lúc nào cũng muốn vào biển; con khỉ muốn vào rừng núi. Sáu con vật này đều bị cột một chỗ, nhưng sở thích không giống nhau. Mỗi con đều muốn đến chỗ an ổn, không con nào thích bị cột vào chỗ mà nó không ưa thích, nên mỗi con tự dùng sức để trở về chỗ ưa thích của mình, mà không thể thoát được.
Cũng vậy, sáu căn có cảnh giới riêng của chúng, mỗi mỗi tự tìm đến cảnh giới ưa thích của nó, không ưa cảnh giới khác. Như mắt thường tìm đến sắc khả ái, nếu là sắc không vừa ý thì sẽ sinh ra chán. Tai thường tìm âm thanh vừa ý, nếu là âm thanh không vừa ý, thì sẽ sinh ra chán. Mũi thường tìm mùi vừa ý, nếu là mùi không vừa ý, thì sẽ sinh ra chán. Lưỡi thường tìm vị vừa ý, nếu là vị không vừa ý, thì sẽ sinh ra chán. Thân thường tìm chạm vật vừa ý, nếu xúc chạm vật không vừa ý, thì sẽ sinh ra chán. Ý thường tìm đến pháp vừa ý, nếu là pháp không vừa ý, thì sẽ sinh ra chán. Sáu căn này có bao nhiêu hành xứ, cảnh giới khác nhau, mỗi cái không tìm đến cảnh giới của căn khác.
Sáu căn này, chúng có cái lực kham năng tự tại mà lãnh thọ cảnh giới của mình. Như người kia, cột sáu con vật vào cây cột bền chắc, cho dù chúng có dùng sức muốn thoát ra theo ý mình mà đi, nhưng lui tới chỉ mệt nhọc, vì đã bị dây cột, cuối cùng cũng bị dính vào cây trụ.
Này các Tỳ-kheo, Ta nói thí dụ này là muốn vì các ông hiển bày nghĩa ấy. Sáu con vật là dụ cho sáu căn. Cây trụ chắc là dụ cho thân niệm xứ. Nếu thân niệm xứ được khéo tu tập, có niệm, không niệm sắc, thấy sắc khả ái thì không sinh đắm, sắc không khả ái thì không sinh chán. Tai đối với tiếng; mũi đối với mùi; lưỡi đối với vị; thân đối với xúc; ý đối với pháp,… đối với pháp khả ái, thì không tìm cầu ưa muốn; với pháp không khả ái thì không sinh chán. Cho nên, các Tỳ-kheo, phải siêng năng tu tập nhiều về thân niệm xứ.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1171)
Sự phòng hộ phải dựa trên nền tảng thân niệm xứ, thấy rõ như thật về thân. Khi căn tiếp xúc với trần, chánh niệm và tỉnh giác, rõ biết tường tận về chúng. Do căn và trần tiếp xúc mà có cảm thọ, do cảm thọ mà sinh yêu ghét, từ đó nghiệp phát sinh.
Nếu duy trì được chánh niệm và tỉnh giác, hành giả vận dụng tuệ minh sát thấy rõ ràng tính duyên sinh của căn và trần, biết tường tận sự sinh diệt, vô thường, giả hợp trong từng sát-na của căn-trần-thức nên tuy có tiếp xúc mà không sinh yêu ghét, giữ tâm bất động trước cảnh trần.
Phòng hộ không có nghĩa là đóng kín các căn (nhắm mắt, bịt tai…) mà là chánh niệm và tỉnh giác cao độ, minh sát về thân hành để thấy rõ sự thật rồi xả ly tất cả, tùy duyên và tự tại.
Quảng Tánh