Thiền sư Chân Nguyên là bậc danh tăng có công khôi phục mạch nguồn Thiền Trúc Lâm Yên Tử của Phật giáo Đại Việt do sơ Tổ Trần Nhân Tông sáng lập. Vì vậy, các tác phẩm văn học Phật giáo bằng chữ Nôm do Thiền sư sáng tác, tiêu biểu là tác phẩm Nam Hải Quán Âm bản hạnh, đều chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc đối với Phật giáo Đại Việt, đặc biệt về chữ hiếu và đức nhân.
ĐÔI NÉT VỀ THÂN THỂ VÀ SỰ NGHIỆP THIỀN SƯ CHÂN NGUYÊN
Thiền sư Chân Nguyên (1647-1726), họ Nguyễn tên Nghiêm, tên chữ là Đình Lân, mẹ họ Phạm quê ở làng Tiền Liệt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Năm 19 tuổi, Sư lên chùa Hoa Yên vào yết kiến Thiền sư Tuệ Nguyệt. Tuệ Nguyệt biết Sư là pháp khí sau này, bèn thế phát xuất gia, cho pháp danh là Tuệ Đăng. Sư đi lên chùa Vĩnh Phúc ở núi Côn Cương tham vấn Thiền sư Minh Lương1. Thiền sư Minh Lương đưa mắt nhìn thẳng vào Sư, Sư nhìn lại, liền cảm ngộ, sụp xuống lạy. Minh Lương bảo: “Dòng thiền Lâm Tế trao cho ông, ông nên kế thừa làm thạnh ở đời”, đặt cho Sư pháp hiệu là Chân Nguyên2. Một năm sau, Sư lập đàn thỉnh ba đức Phật (Phật Thích Ca, Di Đà, Di Lặc) chứng đàn, thọ giới Bồ tát và đốt hai ngón tay nguyện hành hạnh Bồ tát. Chân Nguyên, làm Tổ đời thứ 36 tông Lâm Tế [1, p. tr.5]. Sư được truyền thừa y bát Trúc Lâm, làm trụ trì chùa Long Động và chùa Quỳnh Lâm, là hai ngôi chùa lớn của phái Trúc Lâm. Năm 1684, Sư dựng đài Cửu Phẩm Liên Hoa tại chùa Quỳnh Lâm theo kiểu mẫu đài Cửu Phẩm Liên Hoa mà Thiền sư Huyền Quang đã dựng trước kia ở chùa Ninh Phúc. Năm 1692, lúc 46 tuổi, Sư được vua Lê Hy Tông triệu vào cung để tham vấn Phật pháp. Vua khâm phục tài đức Sư, ban cho Sư hiệu Vô Thượng Công và cúng dường áo ca sa cùng những pháp khí để thừa tự. Năm 1722 lúc 76 tuổi, Sư được Vua Lê Dụ Tông phong chức Tăng Thống và ban hiệu Chánh Giác Hòa Thượng. Đến năm 1726, ngày 28 viên tịch, thọ 80 tuổi. Môn đồ làm lễ hỏa táng thu xá lợi chia thờ hai tháp ở chùa Quỳnh Lâm và chùa Long Động, tháp hiệu Tịch Quang. Sư là người khôi phục lại thiền phái Trúc Lâm[1, p. tr.5].
Tác phẩm Nam Hải Quán Âm bản hạnh của Thiền sư Chân Nguyên trước tác với nội dung kể về tích Nam Hải Quán Âm Bồ Tát, vốn là công chúa Diệu Thiện muốn tu tập theo Phật Pháp. Cô phải vượt qua những cản trở, quan niệm phong kiến của vua Trang vương và nhẫn nhục tu tập đạt được Bồ Đề Đạo quả. Diệu Thiện đã hoàn thành Đạo hiếu, giúp cha tỉnh ngộ, tin theo Phật Pháp. Tuy rằng cốt truyện mang tính chất hư cấu, nhưng mang giá trị nhân văn sâu sắc về chữ hiếu và đức nhân.
QUAN NIỆM VỀ PHẬT TÍNH
Chúng ta có thể thấy rõ quan điểm của Thiền sư về lý tưởng Bồ tát đạo trong đoạn thơ lục bát gồm 24 câu của tác phẩm Nam Hải Quán Âm bản hạnh. Đó là quan niệm về Phật tại tâm, tức Phật tính vốn sẵn có trong mỗi con người, từ đó hành giả nỗ lực tu tập, phát tâm thực hành Bồ Tát hạnh, đi vào thực tiễn cuộc sống, mang lại lợi ích nhân sinh.
Tán ra khắp hết càn khôn
Người ta biết được Bụt tiên ở lòng
Pháp thân trạm tịch viên thông
Tịch quang phổ chiếu viên đồng thái hư
Tùy hình ứng vật tự như
Hóa thân bách ức độ chư mọi loài
Quan Âm cổ Phật tái lai
Hiện làm công chúa độ người vạn dân
Bề trên báo được tứ ân
Bề dưới chữa khỏi trầm luân tam đồ
Thần thông năng cứu ngục tù
Năng cứu cấp nạn diệu thù vạn ban
Có thân tọa Phổ Đà san
Tầm thanh cứu khổ thế gian sa-bà
Có thân chầu Bụt Di-đà
Thiệu long Phật vị liên hoa bảo đài
Khắp hòa dưới đất trên trời
Phổ môn thị hiện độ loài chúng sanh
Trí giả quán kỳ âm thanh
Giác tri tự tánh phân minh ròng ròng
Bản lai diện mục chân không
Nào có chấp tướng đàn ông đàn bà
Cửu liên đài thượng khai hoa
Những người niệm Bụt Di…
Lý tưởng Bồ tát đạo, danh từ Bồ-tát (Bodhisattà) và các hạnh Bồ tát Thập độ và Lục độ Ba-la-mật đã được đề cập đến trong Nikàya của Thượng tọa bộ (Theravada). Từ các chuyện Jàtaka, tiền thân của Thế Tôn thường được đề cập là Bồ-tát đang thực hành các Ba-la-mật, nói rõ là Thập Ba-la-mật (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ, Phương tiện thiện xảo, Nguyện, Lực và Trí) hay Lục độ Ba-la-mật (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ) để cầu Nhất thiết trí. Vì muốn nhiều lợi ích chúng sinh mà Bồ tát nhập thai, các Ngài tự nguyện đi vào đường hiểm, nên các Ngài tùy ý mà đến đi” [2, p. tr.220]. Lý tưởng của Bồ tát bắt nguồn từ Bồ đề tâm, tâm nguyện muốn giác ngộ thành Phật, cũng gọi là Phật tâm.
“Tán ra khắp hết càn khôn
Người ta biết được Bụt tiên ở lòng”.
Thiền sư Chân Nguyên khẳng định giá trị tinh thần “Phật tại tâm” thông qua đoạn thơ trên. Tác giả nhấn mạnh “Bụt tiên ở lòng”, Thiền sư dùng từ “bụt”, “tiên” thay thế cho từ “Phật”. Chánh niệm trong đạo Bụt sẽ thành Bụt. Nếu tiếp xúc được với chánh niệm trong bản thân mình thì ta có thể tiếp xúc được với Bụt trong mình. Đó là một giác duyên, một điều kiện của sự tỉnh thức [1, p. tr.464]. Do vậy phải tu tập chánh niệm có công phu tu tập thì mới tiếp xúc được, mới nhận thấy rõ được Phật tánh. Khi hành giả ngộ được bản tâm ấy thì đó cũng là sự thể nhập với tự tánh của các pháp, cũng như đóa sen nở trong lò lửa.
Nguồn gốc tư tưởng “Phật tại tâm” của Phật giáo Đại Việt xuất hiện rõ nét nhất vào thời Lý-Trần với tích vua Trần Thái Tông lên núi Yên Tử cầu đạo và được lời khuyên của Quốc sư Phù Vân: “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm ta. Nếu tâm ta lắng lại và trí tuệ xuất hiện thì đó chính là Phật. Nếu bệ hạ giác ngộ được chân lý ấy thì tức khắc thành Phật ngay tại chỗ, không phải đi tìm cực nhọc bên ngoài” (bài tựa Thiền Tông Chỉ Nam). Và ngài khuyên vua Thái Tông trở về làm nhiệm vụ trị dân, Thiền sư nói: “Đã làm vua thì phải lấy ý muốn của dân làm ý muốn của mình; phải lấy tâm của dân làm tâm của mình. Nay dân muốn vua về mà vua không về thì cũng không được?”. Vua đã trở về và ứng dụng lời khuyên ấy cho sự trị dân, xây dựng đất nước, nhất tâm hộ trì Phật Pháp và ham học Phật Pháp như một đường hướng siêu thoát cho tâm linh của bản thân. Vua đã tìm được chìa khóa cho chính mình và là người đặt nền móng cho sự xuất hiện của Thiền phái Trúc Lâm sau này.
Sự kế thừa và phát triển tinh thần ấy có thể nhận thấy rất rõ trong tư tưởng thiền của Thiền sư Chân Nguyên qua đoạn thơ trên: “bụt tiên ở lòng”. Thiền sư Chân Nguyên nhắc lại tinh thần này trong sự tích cực vận dụng, đem giáo lý, tư tưởng Phật pháp truyền bá rộng rãi ra chúng dân: “tán ra khắp hết càn khôn, người ta biết được, bụt tiên ở lòng”:
Pháp thân trạm tịch viên thông
Tịch quang phổ chiếu viên đồng thái hư.
“Pháp thân” là một trong ba thân của Đức Phật. “Viên đồng thái hư” là một điển cố trong bài kệ “Tín tâm minh” của Tổ Tăng Xán (Trung Quốc). Ở đây cũng chỉ cho Phật tánh, tức là tâm không, tánh không, không còn chấp trước vào các pháp. Tâm không vướng mắc, tâm rộng lớn và thênh thang, bản thể tròn đồng với thái hư, “viên đồng thái hư, vô khuyết vô dư, lương do thủ xã, sở dĩ bất như” (tròn đồng thái hư, không khuyết, không dư, bởi do thủ xả, sở dĩ bất như).
Tùy hình ứng vật tự như
Hóa thân bách ức độ chư mọi loài.
Trong đoạn thơ trên, ta thấy có từ “Pháp thân”, “tịch quang”, “tùy hình”, “hóa thân” đây chỉ tam thân của Đức Phật vẫn thường được đề cập là: 1) Hóa thân Phật (Nirmanakaya) là thân mà Bồ tát hóa hiện để cứu độ chúng sanh, 2) Thọ dụng thân Phật (Sambhogakaya) là thân đầy đủ 32 tướng tốt của bậc đại nhân, 3) Pháp Thân Phật (Dharmakaya) còn gọi là Chân như, thân này không có xuất hiện hay biến mất. Đức Phật đã dạy các đệ tử ai chạy theo hình sắc, tiếng nói của Như Lai sẽ rất xa sự thật, ai thấy Pháp tức thấy Như Lai.
Cho nên, tất cả chúng sanh đều có sẵn pháp thân nhưng vì vô minh che lấp mà không thấy được. Khi tu tập đoạn trừ được vô minh thì chứng ngộ được pháp thân ấy. Vì vậy trong đoạn thơ trên, Thiền sư Chân Nguyên nhấn mạnh đến pháp thân của Phật. Hạnh nguyện của Quán Âm Bồ tát có đầy đủ những bi nguyện để tự tại hóa hiện nhiều thân cứu khổ, độ sanh.
Quán Âm cổ Phật tái lai
Hiện làm công chúa độ người vạn dân
Bề trên báo được tứ ân
Bề dưới chữa khỏi trầm luân tam đồ.
“Quán Âm cổ Phật tái lai” được tác giả đề cập là hóa thân của Đức Phật từ thời xa xưa, thị hiện làm công chúa Diệu Thiện để cứu giúp chúng sanh trong nước, trên thì báo đáp bốn ân, dưới thì cứu khổ chúng sanh trong ba đường “tam đồ” (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh). Trong Kinh Pháp Hoa có đoạn: “Người đáng dùng thân Đồng nam, Đồng nữ đặng độ thoát, liền hiện thân Đồng nam, Đồng nữ, mà vì đó nói pháp […]Quán Thế Âm Bồ tát đó thành tựu công đức như thế, dùng các thân hình dạo đi trong các cõi nước để độ thoát chúng sanh” [4, p. tr.543].
HẠNH NGUYỆN CỦA BỒ TÁT
Cuộc sống vô thường tiềm ẩn khổ đau. Muốn hết khổ đau thì phải nỗ lực tu tập theo Phật Pháp, nhất là phải học theo hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm: luôn lắng nghe, luôn tiếp ứng, sẵn sàng giúp đỡ khi người cần, làm nhiều việc thiện, thì mới mong có được sự an lạc, niềm vui trong cuộc đời vô thường và khổ đau này.
Khắp hòa dưới đất trên trời
Phổ môn thị hiện độ loài chúng sanh.
Thiền sư Chân Nguyên nhắc đến “Phổ môn” tức Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn được trình bày trong phẩm thứ hai mươi lăm Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Phẩm này nói về việc đức Quán Thế Âm Bồ tát mở cửa khắp hết pháp giới mà tế độ chúng sinh [5, p. tr.1039].
Trí giả quán kỳ âm thanh
Giác tri tự tánh phân minh ròng ròng
Bản lai diện mục chân không.
Ở đây Thiền sư Chân Nguyên dùng từ“Trí giả” nhằm nhắn nhủ đến chư hành giả, các bậc trí về phương pháp tu hành quán chiếu các Pháp, trong đó “quán kỳ âm thanh” là một trong các pháp quán. Hành giả nên quay về bên trong tâm của mình, thực tập quán chiếu để giác ngộ được cái “tự tánh” tức Phật tánh. Từ đó “giác tri tự tánh” nhận ra được chân tâm, Phật tánh vốn hằng hữu trong mỗi người, đó là “bản lai diện mục chân không” – thì ra mặt mũi ấy là chân không. Chân không cố nhiên không phải là hư vô-hư vô là giả chứ không phải là cái không chân thực. Cái không chân thực vượt ra ngoài có và không. Nó là thực tại không thể diễn tả bằng tướng mạo hình dung [6, p. tr.448], cũng không thể diễn tả hết bằng ngôn ngữ. Như thế, bản chất của thực tại tuyệt đối là bất khả thuyết. Ngôn từ là một hiện hữu tương đối, nó chứa đựng toàn thể kinh nghiệm của nhận thức, nó duy trì kinh nghiệm này. Thực tại tuyệt đối là vô ngôn, không một kinh nghiệm hiển nhiên nào có thể chứng minh cho hiện hữu của nó. Nhưng biểu tượng của nó là ngôn từ, vì bản chất của ngôn từ cũng là tuyệt đối vô ngôn. Vì cái danh không phải là cái thực, cho nên, nó vừa biểu tượng cho thực tại tuyệt đối mà vẫn không lìa khỏi bình diện tương đối của nó [7, p. tr.23].
CHÌA KHÓA CỦA SỰ ĐẠT ĐẠO
Về phương pháp hành đạo, Thiền sư Chân Nguyên chủ trương rằng chìa khóa của sự đạt đạo là nuôi sáng ý thức bằng sự hiện hữu của tự tánh “trạm viên”, về nguồn gốc chân thật của mình. Ý thức được như vậy thì mọi ý nghĩ, mọi hành động của ta tự nhiên đi vào con đường giác ngộ và không cử chỉ nào của ta mà không phải mầu nhiệm thần thông: mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc và ý nghĩ [6, p. tr.448].
Đó là sự “vận dụng của lục căn” trên căn bản ý thức về tự tính giác ngộ [4, tr.448]. Đó cũng là lộ trình khi hành giả tu tập, tùy theo hạnh nguyện dấn thân để thực hành Bồ tát đạo. Lạy Bồ tát Quán Âm, học hạnh của Ngài, nghĩ và làm như vậy là đồng hạnh nguyện với Quán Âm, thì sẽ được Quán Âm gia bị, ta có thể trở thành Bồ tát Quán Âm ở nhân gian [8, p. tr.349]. Tất cả chúng sanh ngoài việc nương tựa vào bi tâm của Ngài, còn cần phải học tập trí huệ thậm thâm vi diệu [9, p. tr.10]. Nương vào tha lực của Phật pháp, tự lực mình ý thức thực hành hạnh Bồ tát bằng những hành động việc làm thiện lành, cao thượng giúp người, giúp đời ngày càng thêm sáng tươi.
“Nào có chấp tướng đàn ông đàn bà”. Câu này ý nói không chấp tướng. Lúc Sơ tổ của Thiền tông Trung Hoa là Bồ Đề Đạt Ma sang Trung Quốc truyền bá Phật Pháp, hình tướng của Ngài có tóc và râu dài, là thị hiện cho sự không chấp tướng, không chấp trước vào các Pháp theo triết lý của Thiền tông.
Như vậy tinh thần của Thiền tông Đại thừa Phật giáo chủ trương phá chấp, bao gồm cả ngã chấp và pháp chấp. Nếu Bồ Tát còn có nam có nữ thì còn tướng ngã, còn tướng nhân thì làm sao thật là Bồ tát được. Cho nên khi cần đồng nam thì Ngài hiện đồng nam để độ thoát, khi cần đồng nữ thì Ngài hiện là thân đồng nữ. Ngài đều có thể hiện ra tất cả các thân tướng ấy. Nếu ngài thật là nam thì không thể hiện thân nữ được và ngược lại. Vì tất cả các tướng chỉ là giả tướng nên Bồ tát mới tùy duyên hiện được [10, p. tr.169].
Cửu liên đài thượng khai hoa
Những người niệm Bụt Di…
Sự thể hiện mà Bồ tát theo đuổi trải qua mười giai đoạn, gọi là “Thập địa Bồ tát”. Con đường thể hiện này đã được trình bày trong kinh Bảo Đức tạng Bát-nhã-ba-la-mật. Sáu giai đoạn đầu, Bồ tát tu Lục độ như là điều kiện cần thiết chuẩn bị cho giai đoạn thứ bảy là quán Không; vì đó là bước đầu tu chứng thật huệ. Đến giai đoạn thứ mười, trí tuệ này đã viên mãn. Lúc đó sẽ còn đợi bước vào cảnh giới Phật đà [7, p. tr.106].
“Cửu liên đài” ý nói chín phẩm sen (cửu phẩm liên hoa) bên thế giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà. “Đài thượng” chỉ cho thượng phẩm hoa sen, một trong ba phẩm, thượng phẩm, trung phẩm, hạ phẩm. Thượng phẩm là cao nhất, là sự thành tựu của của quả vị Phật, Bồ Tát. Câu cuối tác giả lại đề cập đến tư tưởng của Tịnh độ tông về pháp môn niệm Phật “những người niệm Bụt Di”… Nên người đọc hiểu được ý nghĩa mà Chư Tổ đã nói: “Di Đà là tự tánh sáng soi, Tịnh Độ là cõi lòng trong sạch, chớ mựa cầu hỏi Tây Phương” tín tâm bạn thanh tịnh đó là Phật A Di Đà, tương lai bạn cũng sẽ thành Phật. “Phật tức tâm, tâm tức Phật” chỉ cần tâm bạn thanh tịnh là thành Phật. Pháp Phật bình đẳng, “Mười phương Như Lai, đồng một pháp thân” [11, p. tr.46].
Tác giả nhắc đến pháp môn tịnh độ niệm Phật là phương tiện phù hợp cho mọi căn cơ, trình độ (có 3 hạng người: đại căn (người thông minh), trung căn (người bình thường), hạ căn (người ngu si)). Cả 3 hạng người này đều có thể thực hiện pháp môn niệm Phật, chỉ cần có tín tâm, ý thức giác ngộ được Phật tánh trong tâm mình và tinh tấn hành trì, niệm Phật là đã đủ điều kiện để vãng sanh. Mục đích chủ yếu tác giả khuyến khích tất cả mọi người nên tỉnh thức Phật tánh trong chính mình mà tinh tấn tu tập để giải thoát khổ đau và giác ngộ. Niết Bàn, Cực Lạc luôn có trong thực tại. Chỉ cần hành giả tỉnh thức và quay về nơi tự tâm của mình chứ không đâu xa lạ.
Thông qua đoạn thơ Nôm của tác phẩm Nam Hải Quán Âm bản hạnh, Thiền sư Chân Nguyên khẳng định lại giá trị tinh thần “Phật tại tâm”, tức “bụt, tiên ở lòng”, nên tác giả khuyến khích tất cả mọi người nên tỉnh thức Phật tánh trong chính mình mà tinh tấn tu tập để giải thoát. Chỉ khi hành giả thấy được Phật tâm ấy thì không còn chấp trước vào thân năm uẩn, sáu căn được thanh tịnh, ứng dụng Phật pháp đi vào trong cuộc đời cứu độ chúng sanh. Phát tâm tu tập theo lý tưởng của Bồ tát, học theo hạnh nguyện của Nam Hải Quán Âm, không ngần ngại đem Phật Pháp cứu độ chúng sinh, hoằng dương Phật Pháp.
Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào của thời đại thì tính chất của Phật giáo luôn khế cơ, khế lý để ứng dụng thích hợp và dung hòa đi vào thực tiễn cuộc sống mà thực thi những lời dạy của Chư Phật, Chư Tổ một cách hiệu quả nhất. Vì thế nên Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Nam Hải Quán Âm Bồ tát cũng chỉ cho Hóa thân, Pháp thân, Ứng thân của Phật trong cuộc sống thực tại luôn có.
(Tạp Chí Văn Hóa Phật giáo, số 359).
Chú Thích:
* Thích Nữ Nhuận Mỹ, học viên lớp Cao học Phật giáo Việt Nam TP.HCM, khóa II.
1. Thích Thanh Từ, Thiền tông bản hạnh giảng giải, Nxb Tp, HCM, 1998.
2. Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Thích Tâm Trí dịch, Nxb Phương Đông, 2013.
3. Nhất Hạnh (2000), Thả một bè lau, Nxb Lá Bối.
4. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Thích Trí Tịnh dịch, Nxb Tp. HCM, 1997.
5. Viện Nghiên Cứu Phật Học (2004), Từ điển Phật học Hán Việt, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
6. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Phương Đông, 2012.
7. Tuệ Sỹ, Triết học về Tánh không, Nxb Hồng Đức, 2013.
8. Thích Trí Quảng, Phật giáo Nhập thế và phát triển, Nxb Tôn giáo, 2008.
9. Hoàng Nguyên- Phước Sơn, Truyện Quán Âm những chuyện cảm ứng trong kinh Hoa Nghiêm, Nxb Tôn giáo, 2005.
10. Thích Phước Tiến, Kinh Kim Cang giảng giải, Nxb Hồng Đức, 2020.
11. Thích Tâm An, Pháp Hải thích nghi, Nxb Tôn giáo, 2004.