Tác phẩm Thơ thiền của Tổ Trúc Lâm của cư sĩ Nguyễn Đức Sinh


TLYT - Nguyễn Đức Sinh là Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh và hiện ông đang sinh hoạt tại Ban Văn học thành phố Uông Bí. Trong những năm gần đây, Nguyễn Đức Sinh đã in nhiều đầu sách như Quả thơm, Xôn xao và Tĩnh Lặng, Hai thiện tri thức và nhà sư, Hằng Giác, Những lời ẩn dụ thiêng liêng và nhiều bài viết chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa trên các trang báo địa phương và Trung ương. Đặc biệt là trong suốt gần 30 năm qua, như là một cơ duyên với đạo Phật, nên thường xuyên ông có bài viết trên các tờ báo và tạp chí Phật học như: Tạp chí nghiên cứu Phật học, Giác ngộ, Văn hóa Phật giáo, phatgiao.org.vn, Vườn hoa Phật giáo, Đạo Phật ngày nay… Lần này, cư sĩ Nguyễn Đức Sinh ra mắt bạn đọc cuốn sách mới Thơ thiền của Tổ Trúc Lâm với hai nội dung: Phần 1 có tiêu đề: Nét đẹp (Văn chương qua những áng thơ thiền của Tổ Trúc Lâm). Phần 2, (Thiền và triết lý nhân sinh trong thi kệ của người xưa).
 

Rất may mắn tôi đã được kết giao làm quen và qua nhiều buổi giao lưu chuyện trò với tác giả về Phật giáo, nên đã vỡ vạc ra đôi chút về Phật học. Bài viết của tôi hôm nay coi như bản thu hoạch những điều ông nói với tôi về Thiền, về Giác ngộ, về Nhậm vận thịnh suy của Phật giáo… và khi tôi được đọc tập Thơ thiền của Tổ Trúc Lâm. Đây là những bài viết được đăng tải trong các tạp chí và tờ báo nói trên của tác giả, tôi xin đặt ra câu hỏi để viết dưới hình thức trả lời, viết theo thể loại này dễ dàng hơn: Thiền trong Phật giáo đã giúp ích gì? Đây là câu hỏi từ ngàn năm trước đã được trả lời: Đó là đức Phật Thích Ca đã từng tọa thiền dưới cội bồ đề mà Giác ngộ thành Phật. Lịch đại Tổ sư của nhiều tông phái Phật giáo cũng đều do tu thiền mà chứng đắc đạo quả. Ở nước ta từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn…cũng nhờ thiền mà nhiều đời tổ chứng được pháp cao tột. Đọc lịch sử nước nhà chúng ta thấy, thời Lý - Trần, Phật giáo được coi là Quốc giáo. Thiền trong đạo Phật giúp ta cởi bỏ được những ưu tư phiền não sầu muộn để được thanh tịnh an vui. Học thiền là học tâm, ngoài tâm ra không có thiền nào để học, chính điều này, mà tổ Bồ Đề Đạt Ma (người Ấn Độ) đã dõng dạc tuyên bố: “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ chân tâm, kiên tính thành Phật”. Thời Trần, một ông vua khởi đầu triều đại này đó là Trần Thái Tông, với tác phẩm Khóa hư lục nội dung cũng đồng quan điểm và tư tưởng thiền học với tổ Bồ Đề Đạt Ma. Bởi vậy, khi diễn giải trong tác phẩm Khóa hư lục, Trần Thái Tông cũng cho rằng “Kiến tinh biện tâm” tức là nhằm giác ngộ thành Phật. Đây là pháp tu Thiền tối thượng thừa cao tột của Đại thừa Phật giáo.

 

Đọc lịch sử thời Trần cho thấy, phải chăng nhờ tâm sáng lòng trong mà quân dân nhà Trần đã đoàn kết đánh tan 3 cuộc xâm lăng (1258- 1288) của giặc Nguyên Mông hung hãn nhất lịch sử thời bấy giờ, giành lại non sông gấm vóc cho Đại Việt.

 

Theo dòng lịch sử đất nước nói chung, và lịch sử Phật giáo nước nhà cho thấy, Phật giáo du nhập vào nước ta cách đây trên hai ngàn năm, theo đó các luồng văn hóa tư tưởng cũng thâm nhập vào đất Việt. Thiền Phật giáo được xem là pháp môn căn bản của đạo Phật. Ngoài ý nghĩa thâm hậu của pháp môn này, thiền còn được coi là yếu tố nghệ thuật thông qua sự phản ảnh biểu hiện nghệ thuật của thơ ca, hội họa và điêu khắc mà cụ thể là thi kệ của các thiền sư đã có sức sống lâu bền trong đời sống xã hội, nó không chỉ phản ánh xã hội đương thời mà còn dự báo tương lai. Điều này sẽ được phản ánh trong các bài viết trong tập của tác giả.

 

 Với vẻ đẹp trong những áng thơ thiền viên dung giữa đời và đạo, những tác phẩm của các thiền sư đã góp tiếng nói chung vào nền văn hóa, văn học nước nhà. Nhận xét về điều này, các nhà nghiên cứu văn hóa nói chung, trong đó có các nhà nghiên cứu văn học đã đánh giá cao các tác phẩm thi kệ của các thiền sư và coi đây là nền tảng ban đầu của dòng văn học Việt Nam. Đại biểu cho các thi phẩm thơ thiền ấy phải kể dến các thiền sư thời Lý - Trần đó là: thiền sư Vạn Hạnh, thiền sư Mãn Giác, Sơ tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông, thiền sư Pháp Loa, thiền sư Huyền Quang và nhiều thiền sư khác đã viết lên những tác phẩm để đời cho hậu thế. Cụ thể là Mãn Giác - thiền sư thời Lý với bài Cáo tật thị chúng nổi tiếng, với triết lý nhân sinh Phật giáo sâu sắc và độc đáo, đã nói lên được sự trường tồn của con người trong vũ trụ qua góc nhìn tâm linh Phật giáo và được thiền sư thể hiện dưới bút pháp ngôn ngữ giản dị, nhưng tinh tế bất ngờ với tư duy thiền học:

“Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Sự việc thì đi mãi
Trên đầu tuổi đã già
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua xuân trước một cành mai”.
 

Bài thơ ngắn, mượn cảnh xuân đến, xuân đi của quy luật thiên nhiên để so sánh cái trường tồn của tâm thức con người dưới góc nhìn của thiền học Phật giáo, qua Bát Nhã Tâm Kinh. Thường thì chúng ta nghĩ, tuổi già, bệnh tận rồi thị tịch (chết là hết) mọi chuyện dường như “trắng tay”. Nhưng với Mãn Giác thiền sư lại cho rằng “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua xuân trước một cành mai”.

 

Cũng với tư tưởng triết lý nhân sinh của thiền, Vạn Hạnh thiền sư trong bài Thi tịch cũng khiến chúng ta thao thức suy ngẫm về con người và cuộc thế thịnh suy thời đại. Nhưng với cái nhìn của Chân - Thiện - Mỹ thì nội dung bài thơ đã mách bảo chúng ta về một triết lý sống cao thượng của con người, đó là sự an nhiên trong cuộc sống trước mọi sự vô thường tất yếu. Bài thơ này chỉ vẻn vẹn bốn câu chúng ta cùng đọc và suy ngẫm:

 

“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân sinh thu hữu khô

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”.

Ngô Tất Tố dịch:

“Thân như bóng chớp có rồi không

Cây cối xuân tươi thu não nùng

Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi

Kìa kìa ngọn cỏ hạt sương đông”.

 

 Với cái nhìn của tâm giác ngộ, thiền sư đã mượn cái nguồn sống tuần hoàn điều lý bất tuyệt của vũ trụ để nối liền hai phương diện sống: Đó là sống Đời và sống Đạo phối hợp viên dung để có được sự an nhiên, tự tại vốn có trong trời đất, mà con người cần phải hiểu để dung thông. Vậy thiền sư mới có câu nhắc nhở: “Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi/ Kìa kìa ngọn cỏ hạt sương đông”, Một sức sống tàng ẩn trong hạt sương đông để rồi bắt đầu một mùa xuân hiện hữu.

 
 
 

 Nếu các thiền sư thời Lý dùng cái suy tưởng trong văn phong để tải đạo, thì các thiền sư thời Trần lại hiện thực hóa việc truyền giáo lý đạo Phật bằng ngôn ngữ quần chúng giản dị, dễ hiểu. Trong bài thơ “ Xuân vãn” của Sơ Tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông ta thấy cũng chỉ có 4 câu, nhưng người đọc đã thấy ngay nội dung của bài thơ mà tổ muốn nhắn nhủ tới mọi người. Bài thơ này tác giả đã nói tới trong tập Thơ Thiền của Tổ Trúc Lâm mà tôi đang muốn giưới thiệu đến bạn đọc. Ở dây chỉ xin nêu bốn câu (thi kệ) được coi là khổ kết của bài phú dài Cư trần lạc đạo của Phật hoàng Trần Nhân Tông để chúng ta hình dung và cảm nhận nét hiện thực trong thơ thiền nhập thế của Phái thiền Trúc Lâm Yên Tử mà người sáng lập là Trần Nhân Tông. Chúng ta cùng tìm hiểu khổ thơ kết của bài phú nói trên:

 

“Ở đời vui đạo hãy tùy duyên

Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm

Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”.

 

Cùng với các bài thơ thiền tiêu biểu nêu trên, trong tập chúng ta cũng sẽ bắt gặp nhiều tứ thơ thiền độc đáo của các thiền sư Pháp Loa, Huyền Quang, Từ Đạo Hạnh và đặc biệt hơn là những bài kệ ngộ thiền, truyền thiền của các tổ Thiền tông Ấn Độ như: Long Thọ, Bát Nhã Ba La, Bồ Đề Đạt Ma. Đây là những vị tổ có công lớn trong việc truyền thừa Thiền tông đến các nước Trung Hoa, Nhật Bản, Thái Lan và Việt Nam.

 

Thiền Phật giáo hiện nay không chỉ khu biệt trong giới tăng sĩ và chùa chiền mà pháp môn này đã ảnh hưởng đến các nước Tây phương và nó đang phát triển mạnh mẽ ở nhiều nước trên thế giới. Bởi hiện nay, thiền được coi là phương pháp chữa trị hữu hiệu các căn bệnh của thời hiện đại nảy sinh, đó là các bệnh Strses, Trầm cảm và các loại bệnh rối loạn tâm lý nói chung do áp lực đời sống xã hội. Do thời lượng của bài giới thiệu, mong bạn đọc đến với nội dung của cuốn Thơ thiền của Tổ Trúc Lâm. Hy vọng qua những áng thơ thiền của người xưa, chúng ta sẽ hiểu thêm về lịch sử nước nhà và Thiền trong Phật giáo của cha ông.

Nguyễn Chính Viễn