Tham dự buổi lễ, về phía Giáo hội có Hòa thượng Thích Thanh Quyết – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban trị sự GHPVGN tỉnh Quảng Ninh; Thượng tọa Thích Đạo Hiển - Ủy viên Hội đồng trị sự, Phó trưởng ban kiêm Chánh Thư kí Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh; Đại đức Thích Quảng Hiển - Ủy viên Ban trị sự Phật giáo tỉnh, Trưởng Ban trị sự GHPGVN TP. Đông Triều; cùng chư tôn đức Tăng, Ni trong Ban trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, TP. Đông Triều.
Về phía đại biểu khách quý có TS. Bùi Hữu Dược - Nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban tôn giáo chính phủ; Bà Ân Thị Thìn - Phó Giám đốc sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Quảng Ninh; các vị đại biểu đại diện các cơ quan, ban ngành hữu quan của Thành phố Đông Triều và các xã, phường trên địa bàn Thành phố.
Mặc dù trời rất lạnh, nhưng trong ngày tưởng niệm Đệ Nhị Tổ nhập Niết bàn vẫn có đông đảo các Phật tử, nhân dân quanh khu vực, các em học sinh, sinh viên từ khắp nơi tham dự khóa tu tuổi trẻ hướng về Phật pháp tại đây.
Tại buổi lễ, Thượng tọa Thích Đạo Hiển thay mặt Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh cung tuyên tiểu sử của Đức Đệ Nhị Tổ Pháp Loa cùng những đóng góp to lớn của Ngài với Phật giáo và dân tộc.
Thượng tọa Thích Đạo Hiển cung tuyên tiểu sử của Đức Đệ Nhị Tổ Pháp Loa cùng những đóng góp to lớn của Ngài với Phật giáo và dân tộc
Tôn giả Pháp Loa (1284-1330), là vị Thánh tổ của Phật giáo Việt Nam, được Phật hoàng Trần Nhân Tông trao truyền làm người kế vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Trúc Lâm thời Trần. Dưới sự lãnh đạo của Ngài, Giáo hội Trúc Lâm phát triển tới đỉnh cao.
Đương thời, Ngài rất chú trọng việc giảng dạy kinh điển Phật giáo, hầu hết các bộ kinh Đại thừa được Ngài giảng dạy như Kim Cương, Lăng Nghiêm, Viên Giác, Niết Bàn, Lăng Già, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, ngoài ra còn có các bộ lục như Tuyết Đậu ngữ lục, Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục, Đại Tuệ ngữ lục.
Cũng trong thời gian này, người xin làm đệ tử có hàng vạn (riêng về tăng, ni xin làm đệ tử là 15.000 người, đắc pháp khoảng 3.000 người); số tự viện cũng được xây dựng rất nhiều với khoảng 800 ngôi chùa, hai đàn giảng kinh, 5 đại bảo tháp được tạo, đúc 1.300 tượng Phật lớn nhỏ bằng đồng. Đặc biệt trong giai đoạn này, chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều - Quảng Ninh) được ngài xây dựng trở thành Viện Quỳnh Lâm - nơi đào tạo tăng tài cho Giáo hội, tương đương với trường Đại học Phật giáo hiện nay.
Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, Trúc Lâm Đệ nhị tổ Pháp Loa tôn giả vừa là một thiền sư uyên thâm về giáo lý đạo Thiền, vừa là vị lãnh đạo tài ba của Giáo hội Trúc Lâm. Công lao và sự nghiệp của Ngài để lại cho hậu thế mãi mãi được lịch sử ghi nhận.
Phát biểu tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thanh Quyết đã chia sẻ thêm những thông tin sâu sắc về Phật hoàng Trần Nhân Tông, Tam Tổ Trúc Lâm cùng những giá trị bền vững của Phật giáo Trúc Lâm trong đời sống.
Hòa thượng Thích Thanh Quyết phát biểu tại buổi lễ
Tại đây, chư tôn đức cùng toàn thể quý đại biểu, quý tín đồ Phật tử đã dâng nén tâm hương, thành tâm tưởng niệm 695 năm ngày Đệ Nhị Tổ Pháp Loa nhập Niết bàn, nguyện học theo tấm gương của Ngài, hết mình phụng sự cho đạo pháp và dân tộc.
Lễ tưởng niệm cũng ghi dấu ấn với chương trình nghệ thuật đặc sắc, nổi bật như ca khúc “Ngọa Vân Ca”, “Phật độ”, đặc biệt là trích đoạn vở cải lương về cuộc đời Nhị tổ Pháp Loa.
Trích đoạn vở cải lương này do TS. Bùi Hữu Dược viết kịch bản, chuyển thể cải lương, NSND Trọng Bình, đạo diễn là NSUT Quang Khải, được các nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương Việt Nam thể hiện, đã mang đến một không gian nghệ thuật đầy cảm xúc. Những câu chuyện về hành trình tu học và hoằng pháp của Ngài được tái hiện sinh động, chạm đến trái tim của khán giả.
Trong khuôn khổ chương trình Lễ tưởng niệm, buổi chiều cùng ngày, TS. Bùi Hữu Dược đã có bài chia sẻ vô cùng bổ ích với các em sinh viên về những triết lý của Phật giáo Trúc Lâm và ứng dụng những triết lý đó vào đời sống đương đại.
Một số hình ảnh ghi nhận khác:
Mai Anh
Ảnh: Ngọa Vân Yên Tử